Vụ thủy điện Thượng Kon Tum tích nước làm chết 25 ha rừng: Ai chịu trách nhiệm?
Nguyên nhân chết hơn 25 ha rừng không phải do thiên nhiên mà là do tác động của con người. Liên quan đến vụ việc này, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đã xác định được trách nhiệm của các đơn vị có liên quan.
Theo đó, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum xác định, việc tích nước lòng hồ, ngăn dòng chảy làm chết hơn 25 ha rừng (rừng nằm ngoài phạm vi thu hồi) trách nhiệm thuộc về Công ty Viễn Thám, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (chủ đầu tư thủy điện Thượng Kon Tum) và các tổ chức, cá nhân trong việc giám sát, thẩm định hồ sơ trước khi trình UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt đối với diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng.
Một góc diện tích rừng bị chết do thủy điện Thượng Kon Tum tích nước
Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, ngay sau khi chủ rừng phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng đã lập đoàn, kiểm tra vụ việc. Nguyên nhân khiến 25 ha rừng chết là do ngập nước. Đơn vị cũng đã làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế. Sau đó đã khởi tố và chuyển qua cơ quan điều tra.
"Việc chết cây chính là mất rừng. Qua xác minh thì nguyên nhân chết cây không phải do thiên nhiên mà là do tác động của con người. Để có những cánh rừng như thế thì mất thời gian rất lâu và hệ quả khi mất những cánh rừng này cũng khó lường", ông Nam nhấn mạnh.
Cánh rừng nguyên sinh quanh lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum hoang tàn, cây xanh rừng "chết trắng"
Liên quan đến sự việc trên, cơ quan chức năng đã làm việc với đại diện Công ty cổ phần đo đạc và bản đồ Viễn Thám (gọi tắt Công ty Viễn Thám, có trụ sở tại tỉnh Kon Tum).
Quá trình làm việc, đại diện Công ty Viễn Thám cho biết, việc xử lý số liệu trên bản đồ dùng phương pháp nội suy và công tác kiểm tra, đối chiếu, kiểm chứng thực tế tại hiện trường không chính xác, dẫn đến khi vận hành lòng hồ gây ngập úng khỏi ranh giới diện tích rừng được thu hồi.
“Địa hình khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum khá phức tạp, rừng rất rậm, thời tiết mưa nhiều, nhiều vị trí không tiếp cận được. Đồng thời, dụng cụ phục vụ cho việc xác định vị trí và đo đạc không được hiện đại, dẫn đến sai sót trong quá trình tính toán diện tích, ranh giới thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng...”, đại diện Công ty Viễn Thám phân trần.
Các diện tích cây rừng bị chết khô đều không thể phục hồi
Trước đó, như Nhà Báo và Công Luận đã thông tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận điều tra vụ 25,3 ha rừng bị chết tại lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum thuộc huyện Kon Plông.
Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 2020 thủy điện Thượng Kon Tum tích nước lòng hồ, ngăn dòng chảy làm nước dâng làm 25,3 ha rừng bị chết.
Diện tích rừng bị chết xảy ra tại các tiểu khu 401a, 406, 407, 411, 412, 413 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, tiểu khu 451 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy quản lý và tiểu khu 410 do UBND xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông quản lý.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đang làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan
Qua kiểm tra, đánh giá hiện trường, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Hủy hoại rừng xảy ra tại lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum (huyện Kon Plông) khiến hơn 25 ha rừng bị chết.
Bài và ảnh: Trần Hiền