Vụ thủy điện tự ý tích nước gây họa cho dân: Cảnh báo thu hồi giấy phép
Liên quan đến phản ánh của CAO 'Thủy điện tự ý tích nước, gây họa cho dân', Sở Công thương Kon Tum đã cảnh báo, nếu thủy điện Plei Kần còn tích nước trái quy định, sẽ báo cáo đề nghị thu hồi giấy phép.
Ngày 26-10, Sở Công thương Kon Tum đã làm việc với Công ty cổ phần Tấn Phát (chủ đầu tư dự án thủy điện Plei Kần).
Tại buổi làm việc, Sở Công thương yêu cầu Công ty cổ phần Tấn Phát dừng ngay việc tích nước trái phép, đưa mực nước hồ chứa về mực nước lòng sông tự nhiên.
Ngoài ra, chủ đầu tư thủy điện Plei Kần khắc phục ngay đường, cầu đi lại, vận chuyển nông sản cho người dân (trước ngày 15-11); phối hợp với chính quyền địa phương kiểm kê, rà soát thiệt hại từ việc tích nước hồ chứa để có có phương án bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân (hoàn thành trong tháng 11-2020) – đây là điều kiện để Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh xem xét cho phép tích nước).
Sở Công thương Kon Tum nhấn mạnh, nếu Công ty cổ phần Tấn Phát tiếp tục tích nước trái quy định, không hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng, thực hiện các công việc trái quy định, thì Sở sẽ đề nghị Công ty Điện lực miền Trung không huy động công suất nhà máy, đồng thời báo cáo UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Như CAO đã phản ánh, gần 1 tháng nay, nhà máy thủy điện Plei Kần (trên địa bàn H.Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) của Công ty Cổ phần Tấn Phát tự ý tích nước, gây ngập trên diện rộng.
Nghiêm trọng nhất là hơn 300 héc đất sản xuất của dân tại thôn Đăk Ré, xã Đắk Rơ Nga, H. Đắk Tô, bị cô lập hoàn toàn…
Mặc dù chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu nhà máy thủy điện dừng tích nước trái phép nhưng đơn vị này vẫn phớt lờ, liên tục tích nước khiến dân hoang mang, bức xúc.
Ngay sau đó, Sở Công thương Kon Tum đã đi kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh Kon Tum đề nghị cơ quan chức năng xử phạt Công ty cổ phần Tấn Phát. Ngoài ra, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương cũng có văn bản hỏa tốc, yêu cầu Công ty Cổ phần Tấn Phát ngừng ngay việc tích nước, kiểm kê thiệt hại để hỗ trợ, bồi thường cho dân.