Vụ Tịnh thất Bồng lai: Vì sao không bắt tạm giam bị can Lê Tùng Vân?
Trong 4 bị can bị khởi tố, ông Lê Tùng Vân là bị can duy nhất bị cấm đi khỏi nơi cư trú, 3 người còn lại bị bắt tạm giam.
Như Tiền Phong đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can cùng ngụ địa chỉ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (Tịnh thất Bồng Lai), về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân" theo quy định tại Điều 331 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trong 4 bị can, ông Lê Tùng Vân (SN 1932) bị cấm đi khỏi nơi cư trú, 3 bị can còn lại bị bắt tạm giam. Các quyết định về tố tụng này đều được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa phê chuẩn.
Về biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Tùng Vân, luật sư Thái Thị Diễm Trúc (Cty TNHH MTV TNH và cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh An Giang) cho rằng, do ông Vân có địa chỉ cụ thể, không có nguy cơ bỏ trốn và bị khởi tố trong trường hợp không đặc biệt nghiêm trọng với tội danh ban đầu là hành vi liên quan Điều 331 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nên được tại ngoại mà không bị giam giữ là phù hợp.
Ngoài ra, theo luật sư Trúc, ông Lê Tùng Vân sinh năm 1932 (đã 90 tuổi), rõ là cơ quan tố tụng đã có xem xét yếu tố về sức khỏe do tuổi tác của bị can.
Ở góc độ khác, luật sư Lương Thanh Quang (Cty Luật TNHH Tư Vấn Việt, Đoàn Luật sư TPHCM) cũng cho rằng, hiện ông Vân bị khởi tố ở tội danh không có khung phạt cao nhất là tử hình. Trong trường hợp điều tra phát hiện ông Lê Tùng Vân có thêm tội danh như một số báo chí đưa tin, thì theo Điều 40 Bộ Luật hình sự, ông Vân cũng không bị áp dụng hình phạt tử hình do ông Vân đã trên 75 tuổi.
Về thẩm quyền xử lý vụ án, theo thông tin ban đầu thì cơ quan tố tụng cấp tỉnh vào cuộc. Tuy nhiên, đến nay Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Đức Hòa thụ lý. Về nội dung này, luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, Cơ quan điều tra công an huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) có đủ thẩm quyền khởi tố, điều tra về hành vi vi phạm theo Điều 331, vì theo điều này, mức án cao nhất là 7 năm tù, thuộc thẩm quyền cơ quan tố tụng cấp huyện.
“Nếu qua điều tra ban đầu, phát hiện tội danh mới, cũng như những tình tiết khác vượt thẩm quyền, thì Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa sẽ chuyển hồ sơ, cùng toàn thể tài liệu, chứng cứ liên quan về cho Cơ quan điều tra tỉnh Long An thụ lý, tiếp tục điều tra, theo Điều 169, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015” – Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa nói.
Vụ án xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai, theo thông tin ban đầu của Công an tỉnh Long An, các cơ quan của tỉnh Long An đã nhận được nhiều đơn tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi sai phạm của một số trường hợp sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc (SN 1960, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa – nơi tự xưng là Tịnh thất Bồng Lai, sau đó đổi tên thành Thiền am bên bờ vũ trụ) nên đã vào cuộc xác minh, điều tra.
Căn cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Đức Hòa đã khởi tố vụ án “Lợi dụng quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân". Đến ngày 4/1 thì cơ quan điều tra tổ chức khám xét, làm việc với 14 người có liên quan. Ngày 5/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa ra các quyết định khởi tố 4 bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 người và cấm đi khỏi nơi cứ trú đối với ông Lê Tùng Vân.
Hiện vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.