Vụ tố nhà thầu ở Dự án điện mặt trời Đa Mi: Vẫn chưa giải quyết xong
Đến nay, dù đã gần một năm kể từ khi Dự án điện mặt trời Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng việc giải quyết vấn đề công nợ giữa các nhà thầu vẫn chưa xong.
Vụ tố nhà thầu ở Dự án điện mặt
Bức xúc không trả nợ
Cuối năm 2019, Báo Bình Thuận có bài viết “Dự án điện mặt trời Đa Mi: Nhà thầu tố nhà thầu vì chậm thanh toán” phản ánh tình trạng các nhà thầu của dự án không nhận đủ số tiền như đã ký kết để trang trải nợ nần cho công nhân và người nhận khoán khi ngày hết tết đến. Các nhà thầu này gồm Công ty TNHH Minh Mẫn và các đội thi công xây dựng, vận chuyển vật tư... Đây là những nhà thầu nhỏ lẻ của Công ty TNHH MTV TMDV Thành Bảo Phát (TBP) có trụ sở ở Đồng Nai. Công ty này nhận thi công gói xây lắp điện trong dự án từ Công ty TNHH MTV Xây lắp điện lực 1 miền Nam (PCC1MN) ở TP. Hồ Chí Minh (nhà thầu chính) của Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (chủ đầu tư dự án).
Các bên đã nhiều lần ngồi lại với nhau giải quyết, nhưng cho đến nay vẫn bất thành. Nhà thầu Minh Mẫn và các đội thi công bức xúc vì không có tiền trả nợ cho người nhận khoán làm cho mình. Ông Lê Tấn Thanh (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) - Đội trưởng Đội thi công xây dựng Trạm 110 bức xúc nói: Tôi không còn đủ kiên nhẫn để đi tới đi lui nhiều lần vào TP. Hồ Chí Minh hay Đồng Nai... họp giải quyết. Tôi mong Công ty TBP thanh toán 208 triệu đồng để trang trải nợ nần, số còn lại giải quyết sau. Ông Thanh hiện đang bị những người nhận khoán, điển hình ông Vương Minh Cảnh (quê ở TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) làm hàng rào, cổng sắt của trạm, liên tục gây áp lực đòi ông trả gần 50 triệu đồng.
Tình trạng “nợ nần dắt dây”, từ nhà thầu phụ cho đến nhà thầu con do không thống nhất được trong cách giải quyết, trả nợ dẫn đến nghi ngờ, nảy sinh những bức xúc. Ông Cảnh cho biết, tôi đề nghị ông Thanh trả tiền cho tôi thì ông Thanh lại bảo TBP chưa thanh toán, nên không có tiền trả. Tôi đâu có biết TBP là ai, tôi làm cho ông Thanh thì ông Thanh phải có trách nhiệm trả cho tôi. Sự việc trở nên phức tạp, nhiều trong số họ do lo ngại bị “xù” nợ, nên đã căng băng rôn tại Nhà máy Điện Mặt trời Đa Mi yêu cầu PCC1MN can thiệp trả nợ, dẫn đến gây mất an ninh trật tự.
Chủ thầu chính nói gì?
Trước sự việc, chúng tôi có liên hệ với PCC1MN và TBP. Đại diện lãnh đạo PCC1MN, ông Phan Hùng Thắng cho biết, hiện nay chúng tôi đã thanh toán toàn bộ số tiền (khoảng 20 tỷ đồng) cho TBP, chỉ còn giữ lại 2% tiền bảo hành công trình. Các nhà thầu nhỏ lẻ của TBP có yêu cầu can thiệp giải quyết, chúng tôi đã đề nghị TBP làm việc với các bên thầu rõ ràng và có biên bản gửi lại cho chúng tôi. Khi nào TBP giải quyết xong dứt điểm chúng tôi mới thanh toán tiền bảo hành và khoản tiền ngoài công trình dự án này mà chúng tôi đang giữ của ông Thành. Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi với ông Lê Văn Thành – Giám đốc Công ty TBP, thì biết sự việc có vẻ như chưa có hồi kết, ông Thành cho rằng, khoản tiền của ông Thanh thi công Trạm 110 mà ông đang giữ lại là tiền bảo hành trạm, nghĩa là hết thời gian bảo hành thì ông mới thanh toán cho ông Thanh. “Nếu ông Thanh muốn nhận khoản tiền này, thì phải có giấy xác nhận của PCC1MN là đã hết bảo hành, thì ông mới trả”... ông Thành nói thêm.
Tuy nhiên, ông Thanh không chấp nhập, lập luận rằng khoản tiền mà TBP chưa thanh toán cho mình còn lớn hơn khoản tiền bảo hành. TBP đòi giấy xác nhận của PCC1MN thì không thể có, vì thời gian bảo hành chưa hết, không ai dám cấp giấy. Liên quan đến Công ty Minh Mẫn, giám đốc TBP cho biết, chỉ thanh toán khối lượng đã làm hiển thị trên văn bản ký kết 2 bên rõ ràng còn ngoài ra thì không, vì tất cả các khoản thanh toán phải có chứng từ ký kết hợp lệ. Tuy nhiên, Công ty Minh Mẫn không chấp nhận, ông Khánh cho rằng, vì muốn đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án như dự kiến, công ty yêu cầu cứ làm đi rồi tính sau, bây giờ nói không có chứng từ hợp lệ là sao?. Hơn nữa khối lượng thực tế còn đó và chúng tôi sẵn sàng chứng minh bằng chứng.
Qua đó cho thấy PCC1MN là trung gian giải quyết vụ việc, mong muốn mọi việc rõ ràng, TBP là trung tâm của vấn đề, bởi các nhà thầu do mình lựa chọn ký hợp đồng. Các nhà thầu của TBP làm việc theo chỉ đạo, hướng dẫn và hợp đồng đã ký kết. Khi hoàn thành công trình họ chỉ muốn thanh toán đầy đủ như đã thỏa thuận ban đầu để trang trải công nợ. Tuy nhiên, mọi khoản thanh toán phải dựa trên khối lượng, văn bản rõ ràng, nếu không đầy đủ sẽ rất khó khăn vì tính nghiêm ngặt trong chi tiêu tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt các cơ quan nhà nước.
Làm việc với nhau bằng miệng và bằng văn bản là 2 hình thức khác nhau hoàn toàn, bằng văn bản có độ tin cậy cao hơn. Trên thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp làm việc dựa trên tình cảm thỏa thuận với nhau bằng miệng, nên nhiều người đã chịu thiệt thòi. Cách giải quyết chỉ bằng cách ngồi lại với nhau để thỏa thuận, có thể mỗi bên chịu thiệt một chút thì mới mong có kết quả, sự việc sẽ không kéo dài hơn. Nếu không bên nào chịu, đồng nghĩa là bất thành, rất có thể một trong các bên sẽ khởi kiện để giải quyết theo quy định pháp luật.
Ninh Chinh