Vụ tô vẽ lên giếng cổ Đường Lâm: Đoàn làm phim nhận sai, cam kết hoàn trả nguyên trạng giếng cổ
Chiều 8/11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, đoàn làm phim đã cọ rửa những thứ đã tô vẽ lên giếng cổ trước đó.
"Sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản, yêu cầu đoàn làm phim dừng quay. Về phía đoàn làm phim, họ đã dùng vôi ve quét lên đá ong để tạo bối cảnh quay phim. Sau khi có ý kiến của cơ quan chức năng thì họ đã dừng quay và sáng nay đã dùng nước rửa sạch nhưng thứ đã họa tiết trước đó" - ông Thạo nói.
Thông tin thêm về quá trình xảy ra sự việc, Trưởng Ban quan lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho hay, khi đoàn làm phim đến, họ thông qua chính quyền địa phương nhưng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục để được mượn bối cảnh quay phim và tự ý sử dụng vôi ve để quét lên giếng cổ, đoàn làm phim đã nhận khuyết điểm này.
Trước đó, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đăng tải nhiều hình ảnh giếng cổ kế bên đình làng Mông Phụ (Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội) bị đoàn làm phim hài Tết bôi trát, tạo bối cảnh để quay phim làm mất vẻ cổ kính, thiêng liêng.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, giếng cổ bị bôi trát là Di tích cấp quốc gia, mỗi chiếc giếng cổ ở làng là một không gian văn hóa quan trọng. Đây là tài sản vô giá, thiêng liêng mà người Đường Lâm đã cẩn thận giữ gìn, bảo tồn qua nhiều thế hệ.
"Các di tích cổ chúng ta đều phải tôn trọng, kể cả có dát vàng lên giếng cũng vẫn là sai. Bây giờ chúng ta có cọ rửa, khôi phục thì cũng không thể hoàn trả lại được sự rêu phong mong manh, tinh tế như xưa. Thật sự chúng tôi rất bức xúc và phẫn nộ", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.
Đại diện đoàn làm phim sau đó cũng lên tiếng thừa nhận về việc tự ý thay đổi hiện trạng giếng cổ khi chưa báo cáo và được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Đây là thiếu sót và sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm đồng thời cam kết sẽ hoàn trả lại nguyên vẹn hiện trạng ban đầu của giếng cổ.
Trao đổi với PV, Anh H. (người dân xã Đường Lâm, Hà Nội) bức xúc cho biết, đoàn làm phim tự ý tô trát, bôi vẽ, thay đổi hiện trạng giếng cổ mà không báo cáo, không xin phép chính quyền địa phương và Ban Quản lý làng cổ là việc làm không thể chấp nhận. Ở một góc độ nào đó, giếng cổ là điểm tựa tinh thần cho người dân Đường Lâm và cần phải gìn giữ, bảo tồn.
Làng cổ Đường Lâm trước đây thuộc địa phận huyện Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 44km. Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… với 956 ngôi nhà truyền thống.
Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Trung bình mỗi năm, Làng cổ Đường Lâm thu hút 120.000-130.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000-7.000 lượt khách quốc tế.