Vụ tòa xét xử Công ty CP Phú Việt Tín: Trả hồ sơ để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm
TAND vừa ban hành quyết định trả hồ sơ lần thứ 3 để điều tra lại đối với hành vi phân lô bán nền dự án của Công ty CP Phú Việt Tín (gọi tắt Công ty Phú Việt Tín, trụ sở ở xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) đối với các bị cáo: Nguyễn Thuận (49 tuổi); Phùng Thanh Sơn (49 tuổi) và Đào Thị Thùy Trang (41 tuổi), cùng ngụ TP.Long Khánh.
Các bị cáo bị Viện KSND truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng đã bị TAND tỉnh đưa ra xét xử về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
* Cấu kết làm sai để chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh xác định, Công ty Phú Việt Tín được thành lập từ năm 2008, người đại diện pháp luật là ông Đặng Phước Dừa (54 tuổi, ngụ TP.HCM) làm Chủ tịch HĐQT. Đến năm 2018 thì Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (gọi tắt Tổng công ty Cao su Đồng Nai) là doanh nghiệp nhà nước góp vốn 12,5 tỷ đồng (chiếm hơn 7,8% vốn góp). Tổng công ty Cao su Đồng Nai có văn bản đề cử Nguyễn Thuận làm đại diện vốn góp tại Công ty Phú Việt Tín và bổ nhiệm Thuận làm Tổng giám đốc.
Trước đó, vào năm 2013, UBND tỉnh đã có quyết định giao đất cho Công ty Phú Việt Tín để đầu tư xây dựng khu dân cư A1-C1 theo quy hoạch tại xã Bàu Hàm 2. Dự án dự kiến kéo dài 5 năm với tổng diện tích 96ha, được chia thành 4 giai đoạn đầu tư. Các giai đoạn 1, 2 đã được Công ty Phú Việt Tín triển khai và thực hiện xong. Đến năm 2017, Công ty Phú Việt Tín thực hiện giai đoạn 3 với tổng 590 nền đất.
Từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2018, Nguyễn Thuận đã trực tiếp chỉ đạo Phòng Kinh doanh, Phòng Kế toán, Phòng Hành chính công ty thực hiện việc bán nền đất và ký hợp đồng mua bán với khách hàng hơn 580 nền đất, tổng số tiền hơn 590 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng đã đặt cọc tổng số tiền gần 467 tỷ đồng (95% giá trị hợp đồng). Với số tiền này, Nguyễn Thuận đã cho nộp vào tài khoản Công ty Phú Việt Tín hơn 230 tỷ đồng, còn lại hơn 235 tỷ đồng để ngoài sổ sách và Thuận giữ trực tiếp.
Từ những hợp đồng ban đầu này, Thuận cấu kết với Sơn, Trang làm giả hợp đồng, phiếu thu, ký giả chữ ký khách hàng trên 175 hợp đồng và phiếu thu tiền với giá trị thấp hơn số tiền thực thu để chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng. Đến tháng 8-2019, Thuận đã nộp lại số tiền này vào tài khoản Công ty Phú Việt Tín.
* Cần xác định rõ bản chất của vụ án
Sau khi đưa vụ án ra xét xử 3 lần, TAND tỉnh đã tiến hành trả hồ sơ 3 lần với mục đích cần xác định đúng bản chất vụ án và có cơ sở giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và cũng không làm oan người không có tội.
Trong quyết định trả hồ sơ lần thứ 3 này, HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra giám định chữ ký khách hàng trong 175 hợp đồng đặt cọc và các phiếu thu tiền của khách hàng. Điều này nhằm làm rõ hành vi giả chữ ký của các bị cáo trong vụ án để làm lại hợp đồng, phiếu thu với số tiền thấp hơn số tiền khách hàng đã nộp trước đó nhằm chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng tiền chênh lệch.
Trước đó, HĐXX cũng đã trả hồ sơ 2 lần để yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ 13 vấn đề liên quan trong vụ án. Cụ thể, theo quyết định trả hồ sơ vụ án, từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2018, Nguyễn Thuận đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc bán nền đất và ký hợp đồng mua bán với khách hàng. Trong đó, khách hàng đã đặt cọc số tiền gần 467 tỷ đồng (95% giá trị hợp đồng). Với số tiền này, Nguyễn Thuận đã cho nộp vào tài khoản Công ty Phú Việt Tín hơn 230 tỷ đồng, còn lại hơn 235 tỷ đồng để ngoài sổ sách và Thuận giữ trực tiếp.
Theo TAND tỉnh, quá trình nghiên cứu hồ sơ, HĐXX xác định, trong tổng số tiền 235 tỷ đồng để ngoài sổ sách do Thuận giữ thì đã được chuyển vào tài khoản cá nhân và đưa tiền mặt tổng hơn 170 tỷ đồng cho ông Đặng Phước Dừa (Chủ tịch HĐTV Công ty Phú Việt Tín) để sử dụng cá nhân, làm chi phí chạy dự án; chi hoàn ứng cho bà Đặng Phước Thủy Tiên (thành viên công ty, con gái ông Dừa) gần 33 tỷ đồng; hoàn ứng cho ông Đặng Phước Bình (con trai ông Dừa) hơn 4,2 tỷ đồng; hoàn ứng cho ông Đặng Phước Dừa hơn 12 tỷ đồng và chi gần 3 tỷ đồng cho Nguyễn Thuận để cho hoạt động công ty, 6 tỷ đồng do Thuận giữ trong tài khoản cá nhân và chi một số vấn đề khác. Số tiền còn lại nằm ngoài sổ sách chỉ còn hơn 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo HĐXX, kết luận điều tra cũng như cáo trạng truy tố chỉ nói về số tiền chênh lệch bị cáo Thuận chiếm đoạt do làm lại sổ sách là gần 6 tỷ đồng mà chưa đề cập đến số tiền nằm ngoài sổ sách là hơn 235 tỷ đồng cũng như trách nhiệm, tính chất, vai trò hành vi thực hiện của tổ chức, cá nhân đối với việc để ngoài sổ sách kế toán số tiền trên. Việc để số tiền này ngoài sổ sách của công ty là có dấu hiệu vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Quá trình điều tra thể hiện ông Phước Dừa có nhận số tiền trên nhưng ông cho rằng, đây là tiền ông vay của bị cáo Nguyễn Thuận và đã trả lại cho công ty. Trong khi theo bị cáo Thuận xác định thì số tiền này là do ông Phước Dừa đã chỉ đạo bị cáo chuyển cho ông Dừa. Do đó, HĐXX đề nghị cơ quan điều tra chứng minh rõ số tiền nằm ngoài sổ sách đã dùng vào việc gì và khoản tiền đưa cho ông Phước Dừa là khoản vay mượn hay là do chỉ đạo từ ông Phước Dừa để có cơ sở đưa vụ án ra xét xử, tránh bỏ lọt tội phạm.
Theo TAND tỉnh, trong vụ án của Công ty Phú Việt Tiến vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên việc trả hồ sơ là điều cần thiết, giúp vụ án được giải quyết một cách khách quan, triệt để nhất.