Vụ tranh cãi không bằng đại học của bầu Đức dù có 10 nghìn cử nhân làm thuê
Nếu nói về tranh cãi chuyện học vấn và bằng cấp thì bóng đá Việt Nam sẽ nhớ mãi phát biểu kinh điển của bầu Đức.
Đó là phát biểu vào tháng 4/2018 của bầu Đức trên Saostar khi xảy ra tranh cãi về bằng cấp liên quan đến bầu chọn lãnh đạo cho bóng đá Việt Nam. Đây được xem là câu chuyện không vui với bầu Đức, khi không thể tham gia vì thiếu bằng đại học và ai cũng biết ông cống hiến rất lớn cho bóng đá Việt Nam.
Thời điểm đó, bầu Đức nói với Saostar: “Tôi không có bằng đại học nhưng có khoảng 10 nghìn cử nhân đã làm việc cho tôi. Có những người học ở Mỹ tốt nghiệp đại học loại xuất sắc…”.
Bầu Đức nói thêm về chuyện buồn phải từ chối tham gia một cuộc họp liên quan đến bóng đá Việt Nam: “Duy nhất tôi là người không có bằng đại học. Tôi cảm thấy xấu hổ nên không đi”.
Câu chuyện bằng cấp gây tranh cãi của bầu Đức xuất phát từ việc tiêu chí để ứng cử vị trí phó Chủ tịch tài chính của VFF nhiệm kỳ VIII quy định: “Am hiểu và có kinh nghiệm trong hoạt hoạt động tài chính, thương mại; trình độ chuyên môn từ cử nhân trở lên”.
Lúc đó, ông Dương Nghiệp Khôi (Tổng thư ký VFF) cũng có phát biểu gây chú ý: “Bóng đá Việt Nam cần người tài giỏi, có tâm và có tầm, dám nghĩ dám làm như anh Đức. Còn bằng cấp, nó không quan trọng với một người như anh ấy”.
Thực tế, bầu Đức từng có ba lần thi đại học đều trượt nhưng học vấn không quyết định sự nghiệp lừng lẫy của ông. Và bầu Đức từng đề cao việc học tập: “Tôi không có bằng đại học là đúng nhưng người ta tưởng tôi không học là hiểu lầm…”. Theo bầu Đức, ông học nhiều thứ ở “trường đời” để thành công.
Bàn thêm về chuyện học vấn trong bóng đá, bầu Đức khiến cho nhiều người nể phục là ông không đậu đại học nhưng dành tâm huyết rất lớn cho các cầu thủ HAGL về học văn hóa. CLB HAGL đào tạo cầu thủ không chỉ đá bóng mà chăm lo rất kỹ lưỡng về văn hóa. Các cầu thủ HAGL được học ngoại ngữ, học lên đại học.
Ba tiêu chí quan trọng được bầu Đức kiên trì trong đào tạo cầu thủ gồm: Văn hóa là yếu tố đầu tiên của cầu thủ trước khi được đào tạo chơi bóng. Yếu tố thứ hai là cầu thủ cần được học tiếng Anh. Điều cuối cùng là cầu thủ được học văn hóa để tốt nghiệp đại học.
Lương Xuân Trường là trường hợp điển hình để nói về việc HAGL giao dục cầu thủ. Xuân Trường có thể nói tiếng Anh trôi chảy ở tuổi 20, có thể làm phiên dịch bất đắc dĩ ở đội tuyển trong thời điểm cần thiết. Xuân Trường trả lời truyền thông nước ngoài ở U23 châu Á 2018 mà không cần phiên dịch đã từng trở thành cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.
Với bầu Đức, cầu thủ cần có chuẩn mực đạo đức thật tốt và có văn hóa. Vì cầu thủ giỏi sẽ trở thành thần tượng của giới trẻ. Còn các đứa trẻ theo học bóng đá mà không thành công thì có cơ hội tìm hướng đi mới cho cuộc đời nếu có đủ hành trang về học vấn.