Vụ Triều Tiên phóng vật thể: Nhật Bản họp khẩn, triển vọng phi hạt nhân hóa ngày càng mờ mịt?

Ngày 5/1, Đài truyền hình NHK của Nhật Bản đưa tin, chính phủ nước này đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của nhóm phản ứng sau khi có tin Triều Tiên vừa phóng một vật thể bay về phía Biển Nhật Bản.

Vụ phóng vật thể mới nhất của Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau thông điệp Năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong đó ông cam kết tiếp tục phát triển quân đội. (Nguồn: KCNA)

Vụ phóng vật thể mới nhất của Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau thông điệp Năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong đó ông cam kết tiếp tục phát triển quân đội. (Nguồn: KCNA)

Theo NHK, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục phân tích thông tin và giám sát tình hình.

Trước đó cùng ngày, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt thông báo, Triều Tiên đã phóng một vật thể bay không xác định.

Tokyo cho rằng, vật thể này dường như là tên lửa đạn đạo. Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG), vật thể bay này đã rơi.

Tuy nhiên, JCG không nói rõ về địa điểm mà vật thể bay này rơi xuống. JCG kêu gọi các tàu thuyền trong khu vực duy trì cảnh giác và tiếp tục cập nhật thông tin.

Đây là vụ phóng đầu tiên của Triều Tiên trong năm nay, diễn ra vài ngày sau khi nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un cam kết tiếp tục phát triển quân đội nhằm đối phó với tình hình quốc tế bất ổn.

Hồi tháng 10/2021, Triều Tiên đã phóng thử một loại tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mới, làm tăng thêm lo ngại về những tiến bộ công nghệ mà Bình Nhưỡng đã đạt được trong các loại vũ khí khó bị đánh chặn.

Trong một diễn biến khác, ngày 4/1, tại một hội thảo trên web do Washington Times Foundation tổ chức, cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris đánh giá, triển vọng phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên ngày càng đen tối.

Khi được hỏi làm cách nào để Mỹ có thể thúc đẩy tiến trình với Triều Tiên, ông Harris cho rằng: "Đối thoại và sự sẵn sàng quân sự phải đi đôi với nhau. Chủ nghĩa lý tưởng phải bắt nguồn từ chủ nghĩa hiện thực".

Theo cựu Đại sứ Mỹ, không được phép nới lỏng các lệnh trừng phạt hoặc giảm các cuộc tập trận chung chỉ để đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán bởi "đây là con đường đã thử và thất bại".

Bình Nhưỡng không phản ứng trước các động thái kêu gọi đối thoại của chính quyền mới ở Washington kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1/2021.

Triều Tiên lên án thái độ mà nước này coi là thù địch của Mỹ và cho rằng, điều này thể hiện rõ qua các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

(theo Kyodo, Yonhap)

Việt Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-trieu-tien-phong-vat-the-nhat-ban-hop-khan-trien-vong-phi-hat-nhan-hoa-ngay-cang-mo-mit-170033.html