Vụ trộm lớn nhất lịch sử diễn ra trong 8 phút
Vụ trộm lớn nhất trong lịch sử tại một bảo tàng nằm trong một tòa lâu đài cổ ở thành phố Dresden, Đức không cần đến một kế hoạch tinh khôn hay những kẻ lão luyện giàu kinh nghiệm biết cách đánh lừa hệ thống an ninh mà không bị chú ý. Những tên trộm chỉ cần một chiếc bật lửa, một chiếc nêm thủy lực và một nắp hầm là đã quá đủ để đánh cắp báu vật của các nhà vua Saxon có giá trị lên tới 1 tỷ euro.
Vụ trộm tại lâu đài Hoàng gia cũ ở Dresden
Vụ trộm này xảy ra vào ngày 25/11/2019. Khoảng 4 giờ sáng, bọn trộm đã phóng hỏa đốt chiếc tủ phân phối điện ở gần đó. Điện mất, chuông báo ngừng hoạt động, sau đó đèn tắt, đường phố chìm trong bóng tối. Hai kẻ gian đã gạt các thanh lưới che một trong những cửa sổ ở tầng một sang một bên, leo vào bên trong và đi vào kho báu nổi tiếng Green Vault. Nơi đây lưu giữ một bộ sưu tập đồ trang sức của Tuyển hầu tước Saxony August the Strong và các hậu duệ của ông vốn nổi tiếng khắp châu Âu dưới thời Pietr I.
Trong bóng tối, bọn trộm đã lật úp chiếc hộp kim cương nhưng quyết định bỏ qua và lập tức đi sang gian bên cạnh. Tại đó, không lãng phí phút nào, chúng phá vỡ ba tủ trưng bày và lấy các hiện vật ra. Đá quý rơi xuống sàn nhưng chúng đã bỏ qua vì biết rằng không thể mang đi tất cả mọi thứ.
Trong thời gian diễn ra vụ trộm tại bảo tàng, vẫn như mọi khi có hai bảo vệ túc trực. Nhận thấy bọn trộm trên màn hình, họ đã làm theo hướng dẫn: đứng tại chỗ và gọi cảnh sát bởi họ không có vũ khí, trong khi bọn trộm có một khẩu súng lục ổ quay và một súng giảm thanh. Bọn chúng chỉ mất tám phút để cướp bóc kho báu, sau đó chúng lại qua cửa sổ để thoát ra ngoài phố, chui vào một chiếc Audi đang chờ sẵn và lái đi. Trong một hầm ngầm để xe cách lâu đài vài km, chúng đã lên một chiếc ô tô được chuẩn bị sẵn, sơn lại để trông giống một chiếc taxi. Trước khi rời đi, chúng đổ xăng vào chiếc Audi và châm lửa đốt. Cảnh sát đã lái xe đến bảo tàng nhưng bọn trộm đã tẩu thoát. Ngay sau đó có những báo cáo đầu tiên về chiếc xe mà bọn trộm đã dùng để bỏ trốn, tiếp theo là vụ hỏa hoạn trong nhà để xe. Cảnh sát đã không đủ thời gian để đuổi theo hoặc chặn bọn trộm chạy thoát khỏi thành phố.
Trị giá các món đồ bị đánh cắp
Có 21 món đồ trưng bày đã biến mất, chúng được trang trí bằng 4.300 viên kim cương và nhiều loại đá quý khác. Trong số đó có chiếc trâm cài đầu của Nữ hoàng Saxon Amalia Augusta gồm 660 viên đá quý, một chiếc thắt lưng của Vua Frederick Augustus I với 15 viên kim cương lớn và 100 viên đá nhỏ hơn, một viên kim cương trắng Saxony là loại đá quý trong suốt 49 carat. Cũng không dễ dàng để đánh giá hết giá trị của đồ mất cắp. Marion Ackernann, giám đốc Bảo tàng cho biết: “Chúng tôi không thể đưa ra giá trị chính xác của những món trang sức đó bởi vì chúng không thể bán được”. Những món đồ giá trị nhất thậm chí còn không được bảo hiểm. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Sachsen thì đó là một thực tế phổ biến vì trong những trường hợp như vậy chi phí bảo hiểm vượt quá mức thiệt hại có thể xảy ra.
Tuy nhiên, tờ báo Đức Bild khẳng định kho báu biến mất có thể giá trị tới 1 tỷ euro. Trong lịch sử, thiệt hại như vậy chưa từng xảy ra trong bất cứ vụ trộm bảo tàng nào. Ngay cả khi con số của Bild là chính xác thì cũng không ai trả cho bọn trộm 1 tỷ euro. Các món đồ trang sức đó quá dễ nhận biết, vì vậy chúng không thể được bán qua các kênh hợp pháp và trên thị trường chợ đen người mua sẽ không sẵn sàng trả giá đầy đủ. Nhà phê bình nghệ thuật Hà Lan Arthur Brand cho biết: “Hàng hóa bị đánh cắp cũng không thể để lại cho con cái như tài sản thừa kế, chúng càng không thể được trưng bày”. Vì thế mà những món đồ bị đánh cắp sẽ phải giải quyết với giá rẻ.
Một lựa chọn khác là bán từng viên đá một, còn vàng, bạc thì nấu chảy. Song theo Julian Radcliffe từ Cơ quan Đăng ký tổn thất nghệ thuật thì những viên đá trong kho báu có nguồn gốc từ thế kỷ 18 có vết cắt khác hẳn kiểu hiện thời. Do đó, những viên kim cương nhỏ sẽ phải được cắt lại, còn những viên lớn thì phải cắt thành nhiều mảnh và giá của chúng sẽ bị giảm ít nhất là một bậc.
Lần theo dấu vết vụ trộm
Công ty bảo mật CGI Israel tuyên bố rằng khoảng một tháng sau vụ trộm, hai món đồ bị đánh cắp là kim cương trắng Sachsen và huy hiệu của Hội Đại bàng trắng Ba Lan đã thấy xuất hiện trên trang web đen. Người mà công ty trao đổi thư từ yêu cầu số bitcoin trị giá 10 triệu USD cho bên họ. Ông Yakov Peri đứng đầu CGI, từng lãnh đạo cơ quan mật vụ Israel cho biết: “Chúng tôi tiếp xúc với anh ta trong vai những người đi tìm mua hàng ăn cắp. Chúng tôi đã tạo một sơ đồ đánh dấu những nơi mà bọn họ đề nghị thực hiện thỏa thuận và cũng mang sơ đồ đến văn phòng công tố Đức”. Nhưng công ty đã không phản hồi. Các cơ quan điều tra Dresden chính thức tuyên bố rằng họ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy đồ trang sức đã thực sự được rao bán.
Cảnh sát Dresden đã có được nhiều đầu mối. Trong kho báu vẫn còn dấu vết của bọn trộm, còn trong nhà xe, cùng chiếc Audi của chúng có 61 chiếc xe khác đã bị hư hỏng do hậu quả vụ phóng hỏa. Không giống như hệ thống báo động, camera CCTV vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả sau khi mất điện. Và các đoạn băng ghi hình vẫn được hoạt động trong bảo tàng những ngày trước đó.
Ngoài ra, trước ngày xảy ra vụ trộm, bảo tàng đã có bốn người rất khả nghi ghé thăm. Họ mặc quần bò, và đi giày thể thao đi khắp bảo tàng và đứng trước cửa sổ đã rào chắn, sau đó kiểm tra cẩn thận một trong những tủ trưng bày. Có một tên đã khiến cảnh sát nhớ đến một thành viên của gia đình tội phạm Remmo và các nhà điều tra không loại trừ việc gia tộc Remmo có liên quan đến vụ trộm.
Gia tộc Remmo và những vụ trộm lớn
Gia tộc này là một trong những băng đảng Lebanon hoạt động ở Berlin. Người lập ra nó là Issa Remmo người Kurd 54 tuổi lớn lên trong trại tị nạn của người Palestine ở Beirut. Vào cuối những năm 80 khi có cuộc nội chiến ở Lebanon, hắn đã qua được CHDC Đức để tới Tây Berlin. Nhiều người di cư Lebanon đến Đức theo cách này đã không được phép làm việc. Chỉ còn một lối thoát là phạm tội. Ban đầu, băng nhóm này kiếm tiền từ việc buôn bán ma túy và tống tiền ở Berlin. Giờ đây, nhóm cũng sở hữu các quán café, cửa hàng và CLB thể thao hoàn toàn hợp pháp và tiền thu được từ bọn tội phạm có thể được rửa tiền thông qua những nơi này.
Chính quyền Đức từng biết về gia tộc Remmo vào năm 1992 khi hai người họ hàng của Issa đã bắn chết một người Nam Tư chủ nhà hàng ở Berlin. Bản thân Issa luôn cố tránh đụng độ với pháp luật và khẳng định mình chỉ làm kinh doanh trung thực. Anh trai của Issa, Tofiq không phải là người thận trọng. Năm 2014 hắn đã tổ chức một cuộc đột kích ngân hàng và bỏ trốn với số tiền mặt, vàng và đồ trang sức trị giá hơn 9 triệu euro. Để che dấu vết của mình, những tên cướp, giống như bọn trộm ở Dresden, đã tổ chức vụ phóng hỏa.
Vụ trộm lớn khác liên quan đến gia tộc Remmo xảy ra vào năm 2017. Khi đó, bọn tội phạm thâm nhập vào Bảo tàng Bode Berlin và mang đi đồng tiền vàng có trọng lượng 100 kg trị giá 4,3 triệu đôla. Cuối cùng, bọn trộm đã bị bắt, nhưng vàng không được tìm thấy.
Theo nhiều ước tính khác nhau, gia tộc Remmo có từ 500-1000 người và gần như tất cả họ đều là họ hàng của Issa. Ông Thomas Jungbluth, trưởng phòng về tội phạm có tổ chức của Cảnh sát hình sự North Rhine- Westphalia năm 2020 cho biết: “Gia đình là tất cả đối với họ. Họ sẽ bảo vệ danh dự của nó bằng mọi giá”. Thủ phạm gây ra tội ác thường là những thanh niên còn rất trẻ. Vì thương hại chúng nên các thẩm phán đã tuyên những mức án ngắn hạn.
Dấu vết còn lại ở hiện trường
Dấu vết DNA của Wissam Rembo, 23 tuổi được tìm thấy trên cả tường rào bảo tàng và trong chiếc Audi đã cháy trụi. Cảnh sát Đức đã biết nhiều về nhân vật này. Quá trình phạm tội của hắn bắt đầu với vụ trộm thẻ SIM vào năm 15 tuổi và đỉnh điểm là vụ trộm đồng tiền vàng 100 kg từ Bảo tàng Bode. Sau vụ đó, hắn đã kéo một chiếc nêm thủy lực được dùng để mở cửa những chiếc ô tô cũ nát. Với vụ trộm ở Dresden, bằng chính thiết bị này mà các song sắt trên cửa sổ của kho báu đã bị bật ra.
Wissam thậm chí còn không bỏ trốn, nhưng dù sao cũng không đưa được hắn vào tù. Vào tháng 2 năm 2020, hắn đã xuất hiện tại tòa sau vụ án đánh cắp các đồng tiền vàng. Hắn bị tuyên 4,5 năm tù và đã kháng án nhưng vẫn bị y án. Và một lệnh bắt giữ mới yêu cầu nhiều bằng chứng hơn là một mẫu DNA.
Vào tháng 3-2020, các nhà điều tra đã tìm ra chủ sở hữu cũ của chiếc xe Audi. Ông đã bán nó bốn tháng trước khi xảy ra vụ trộm và đã giúp dựng phác thảo hình ảnh của người mua: một thanh niên để râu, khoảng 25 tuổi. Bước đột phá lớn tiếp theo xảy ra sáu tháng sau đó khi họ phát hiện ra một quán cà phê Internet, nơi bọn trộm đã mua thẻ SIM. Sau khi khám xét, các cơ quan pháp luật đã có được thông tin để xác lập danh tính của những người mua.
Vào tháng 11/2020, một cuộc đột kích được tổ chức tại quận Neukolln ở Berlin, trong đó có trên 1.500 cảnh sát tham gia. Họ đồng thời khám xét 10 căn hộ, hai nhà để xe, quán cà phê và một số ô tô. Kết quả là ba tên đã bị bắt giam, trong đó có Wissam Remmo. Tên của hai kẻ còn lại không được tiết lộ, chỉ biết tuổi của chúng là 23 và 26 tuổi.
Một tháng sau thì một nghi phạm khác, Mohamed Remmo, 21 tuổi bị bắt ở Neukolln. Người em sinh đôi, tên trộm kỳ cựu Abdul Majed Remmo đã trốn tránh cảnh sát cho đến tháng 5-2021. Đến tháng 8-2021, kẻ tham gia cuối cùng trong vụ trộm ở Dresden đã bị bắt, là một thanh niên 23 tuổi, không phải người Berlin. Và đầu tháng 9 thì cả sáu tên đều bị buộc tội trộm cắp và đốt phá nghiêm trọng.
Dù đã nỗ lực hết sức nhưng số nữ trang bị đánh cắp hiện vẫn chưa thể tìm thấy và có thể là sẽ không bao giờ tìm được. Arthur Brand, nhà phê bình nghệ thuật người Hà Lan nói: “Các tác phẩm nghệ thuật có thể được dùng như tiền bạc, nhưng không thể bán chúng. Nếu chúng rơi vào giới tội phạm thì chúng sẽ ở đó mãi mãi”.