Vụ trung úy công an thử súng làm chết người: Có dấu hiệu phạm tội?
Các luật sư đánh giá việc cán bộ công an ở Hà Nội thử súng khiến nam sinh viên Đại học Giao thông Vận tải thiệt mạng do 'đạn lạc' đã có dấu hiệu hình sự.
Liên quan vụ N.Đ.A. (21 tuổi, nam sinh viên Đại học Giao thông Vận tải) thiệt mạng nghi do trúng "đạn lạc" sau khi một cán bộ công an thử súng, Công an Hà Nội đã tước quân tịch đối với trung úy Nguyễn Xuân Tính (công tác tại Công an huyện Phúc Thọ).
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết Nguyễn Xuân Tính khai anh ta mua súng bắn chim (dạng súng nén hơi) trên mạng xã hội.
Tối 30/10, viên cảnh sát mang súng ra thử thì viên đạn găm trúng sườn Đ.A. và làm nạn nhân tử vong. Theo tướng Xô, nạn nhân và người thử súng không có mâu thuẫn, không quen biết nhau.
Theo một số luật sư, hành vi của cựu trung úy Nguyễn Xuân Tính đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) đánh giá vụ việc có tính chất nghiêm trọng bởi nạn nhân đã thiệt mạng. "Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi nổ súng của Tính là lỗi cố ý hay do vô ý", ông Cường phân tích.
Căn cứ thông tin ban đầu, luật sư Cường cho rằng hành vi nổ súng dẫn đến chết người của trung úy công an là lỗi vô ý. Anh ta có thể đã để súng cướp cò hoặc không biết bên trong có đạn.
Do đó, người nổ súng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do vô ý làm chết người, theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự, khung hình phạt gồm cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Ngoài ra, luật sư nhận định cơ quan điều tra cần làm rõ thêm loại súng, khả năng sát thương của vật này để xác định tính chất nguy hiểm của vũ khí. Đặc biệt, nhận thức của người sử dụng vũ khí cũng là mấu chốt để buộc tội.
"Vụ việc gây hậu quả chết người nên cơ quan điều tra sẽ giám định loại súng liên quan vụ án để có căn cứ xử lý thêm", ông Cường lập luận.
Theo luật sư, trường hợp cơ quan chức năng làm rõ Nguyễn Xuân Tính đã sử dụng khẩu súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì người vi phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm hành vi Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Còn nếu kết quả giám định cho thấy đó là súng săn (dạng súng thể thao) có tính năng tác dụng khác vũ khí quân dụng, thì ngoài việc bị xử lý do vô ý làm chết người, trung úy công an còn bị xử phạt hành chính nếu anh ta không có giấy phép.
Cùng theo dõi vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật) phân tích Khoản 2, Điều 5 Pháp lệnh số 16 năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm gồm cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí đã được quy định cho phép; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Luật sư Bình cho rằng việc Nguyễn Xuân Tính sử dụng súng bắn chim (dạng súng nén hơi) đã vi phạm Điều 5 của Pháp lệnh trên nếu anh ta không có giấy phép sử dụng loại vũ khí này.
"Tùy theo tính chất, mức độ của hậu quả gây ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự", ông Bình cho biết.
Theo luật sư Bình, với hậu quả làm chết một người, Nguyễn Xuân Tính có thể đối diện mức án 1-5 năm tù, theo quy định tại Khoản 2, Điều 306 Bộ luật hình sự, quy định về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ.