Vụ trưởng làm ơn cho xem mẫu giáo án 5512 chỉ 3-5 trang, chớ nói cho qua chuyện

Giáo viên không sợ khó, sợ phiền và cũng không phải cái gì cũng than vãn, kêu ca nhưng chính vì sự bất cập trong công việc nên họ bắt buộc phải lên tiếng.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ nhà giáo trên cả nước trong nhiều tháng qua và đa phần giáo viên đều băn khoăn với mẫu Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án)…vì nó quá dài dòng.

Trước những băn khoăn, thắc mắc của giáo viên thì ngày 05/6/2021, ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chủ đề này.

Tuy nhiên, từ những chia sẻ, trao đổi của Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học cho thấy vẫn còn nhiều điều khiến cho giáo viên chưa thực sự đồng tình vì nếu chỉ như vậy thì mọi chuyện giản đơn lắm, giáo viên thắc mắc để làm gì…

Chẳng hạn, nếu căn cứ vào hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì năm học tới đây, những tổ trưởng chuyên môn chỉ làm các loại kế hoạch theo hướng dẫn cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể xong được.

Ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh:moet.gov.vn )

Ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh:moet.gov.vn )

Nói như Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học thì mọi chuyện thuận lợi vô cùng

Nội dung bài viết Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học giải thích mẫu giáo án 5512 và "thư công tác" của phóng viên Thùy Linh, phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo xoay quanh Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH mà Bộ đã ban hành cuối năm 2020.

Ngay sau khi được đăng tải, bài viết này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ nhà giáo trên cả nước và chỉ sau 1 ngày thì đã có trên 260 ngàn lượt đọc trực tiếp trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Khi đọc những nội dung chia sẻ của Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học thì có thể mọi người thấy mọi thứ giản đơn vô cùng, nó còn đơn giản, nhẹ nhàng hơn cả các kế hoạch và giáo án mà giáo viên lâu nay đang thực hiện vậy.

Bởi, theo Vụ trưởng Thành thì: “"kịch bản" tổ chức các hoạt động trong bài học là rất ngắn gọn. Nếu giáo viên xác định trúng vấn đề thì chỉ cần khoảng 2 -3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang; không thể dài hàng chục trang như một số thầy, cô đã làm, phản ánh…

…Khung kế hoạch bài dạy là văn bản hướng dẫn, gợi ý giáo viên làm tốt điều này, không những không "cầm tay chỉ việc" mà giúp cho giáo viên chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.

Tôi rất mong các thầy giáo, cô giáo hiểu đúng tinh thần này và làm đúng. Khi đó, các thầy, cô sẽ chuẩn bị tốt "kịch bản" dạy học để "rảnh tay" khi lên lớp, dành nhiều thời gian quan sát, nhận xét, đánh giá và hỗ trợ học sinh trong học tập”.

Nhưng, thực tế có phải như vậy không?

Chẳng hạn, theo hướng dẫn tại Phụ lục 4: Mẫu Kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên thì mỗi bài học đều có các mục lớn, đó là: Mục tiêu; Thiết bị dạy học và học liệu; Tiến trình dạy học.

Nhưng, chỉ riêng phần “Mục tiêu” cũng phải thực hiện hết 1 trang giấy A4 vì theo hướng dẫn gợi ý thì phần “kiến thức” được hướng dẫn như sau: “Nêu cụ thể nội dung kiến thức học sinh cần học trong bài theo yêu cầu cần đạt của nội dung giáo dục/chủ đề tương ứng trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục”.

Phần “năng lực” thì được gợi ý: “Nêu cụ thể yêu cầu học sinh làm được gì (biểu hiện cụ thể của năng lực chung và năng lực đặc thù môn học cần phát triển) trong hoạt động học để chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học/hoạt động giáo dục”.

Trong khi, năng lực thì đang được Bộ định hướng là “năng lực chung”; “năng lực đặc thù” của môn học, bài học và mỗi năng lực phải liệt kê cụ thể ra giáo án.

Phần “phẩm chất” thì được định hướng: “Nêu cụ thể yêu cầu về hành vi, thái độ (biểu hiện cụ thể của phẩm chất cần phát triển gắn với nội dung bài dạy) của học sinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập và vận dụng kiến thức vào cuộc sống”. Và, theo định hướng của chương trình mới thì có 5 phẩm chất và tất nhiên mỗi giáo án thì giáo viên phải liệt kê ra những phẩm chất cụ thể của bài học.

Nói thật, chỉ cái phần “râu ria” này cũng đã mất hơn 1 trang giấy A4 và hiện tại thì giáo viên đang thực hiện soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) ở các mô- đun tập huấn trực tuyến cũng đang được hướng dẫn như vậy.

Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của Kế hoạch bài dạy (giáo án) là “Tiến trình dạy học” với 5 hoạt động chính là: Khởi động; Hình thành kiến thức; Luyện tập; Vận dụng; Tìm tòi mở rộng- đây mới là phần quan trọng của mỗi giáo án và nó chiếm kha khá giấy mực của giáo viên.

Vì thế, giáo viên chúng tôi đang được hướng dẫn soạn giáo án cho chương trình tập huấn trực tuyến đối với môn Ngữ văn lên tới cả chục trang giấy A4/1 tiết dạy. Điều này, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học có thể kiểm tra trên phần mềm tập huấn trực tuyến của giáo viên.

Và, những người hướng dẫn giáo viên soạn bài là những giảng viên các trường đại học đã được Bộ giao nhiệm vụ và những giáo viên cốt cán được học tập từ….Bộ về hướng dẫn lại cho giáo viên.

Vì thế, giáo viên chúng tôi cũng muốn “hiểu đúng tinh thần” để được "rảnh tay" khi lên lớp như lời Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học chia sẻ nhưng sao giữa lời của Vụ trưởng với hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH và thực tế giáo viên đang phải thực hiện thì nó lại xa nhau đến vậy?

Nếu xây dựng các kế hoạch dạy học cụ thể như Công văn 5512 thì tổ trưởng phải mất rất nhiều thời gian mới làm xong

Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH nên chỉ một số địa phương mới triển khai việc Kế hoạch bài dạy (giáo án), còn các loại kế hoạch của tổ chuyên môn thì ở năm học 2020-2021 cơ bản là chưa thực hiện.

Nhưng, năm học 2021-2022 tới đây thì chắc chắc của trường học phải thực hiện tất cả các loại kế hoạch theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH…

Theo hướng dẫn, gợi ý của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì những thầy cô là tổ trưởng chuyên môn các nhà trường là những người thực hiện nặng nề nhất, đặc biệt là đối với những tổ ghép.

Bởi, ngoài việc phải cùng thực hiện Phụ lục 3: Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học; Phụ lục 4: Kế hoạch bài dạy như những giáo viên dạy lớp bình thường thì các tổ trưởng chuyên môn còn phải làm thêm Phụ lục 1: Kế hoạch dạy học môn học và Phụ lục 2: Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục.

Theo hướng dẫn ở Phụ lục 1 và Phụ lục 2 thì các tổ trưởng chuyên môn phải lập các kế hoạch của tổ. Họ phải liệt kê tình hình chung trong tổ, thiết bị dạy học của tổ, phải làm phân phối chương trình bài học, các chuyên đề, số bài kiểm tra…cùng các dự kiến để thực hiện.

Điều mà chúng tôi thấy băn khoăn nhất là trong mục phân phối chương trình thì tổ trưởng chuyên môn phải liệt kê tên bài học, số tiết mà mục tiêu cần đạt của mỗi bài học.

Giả dụ đối với môn Ngữ văn hiện nay ở cấp Trung học cơ sở hiện thì khối lớp 9 có 175 tiết, khối lớp 6, 7, 8 có 140 tiết/ lớp. Như vậy, tính ra toàn môn học này ở cấp Trung học cơ sở sẽ có 595 tiết học.

Như vậy, chỉ ngồi đánh tựa bài, số tiết cho 595 tiết học cũng đã thấy mất rất nhiều thời gian rồi. Nhưng, điều khủng khiếp hơn là liệt kê mục tiêu cần đạt của 595 tiết học này…

Và, mục tiêu cần đạt của bài học thì thì Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH cũng đã nêu rất rõ, đó là: kiến thức, năng lực và phẩm chất (như phần đầu bài viết đã đề cập).

Mỗi bài học dù có tối giản thì ít cũng cần đến 5-7 dòng cho 3 mục này, đem nhân với 595 tiết học sẽ ra bao nhiêu dòng, bao nhiêu trang giấy và tốn bao nhiêu thời gian?

Đó là chỉ nói đơn thuần một mình môn Ngữ văn, chứ thực tế là các trường học bây giờ phần lớn là tổ ghép, chẳng hạn như tổ Văn ở cấp Trung học cơ sở bao giờ cũng đươc ghép thêm môn Công nghệ 6, có trường còn thêm môn Giáo dục công dân.

Chỉ thế thôi cũng thấy nó khủng khiếp như thế nào và thực tế nó không hề đơn giản như những gì mà ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học nói bởi nhiều trường học dưới cơ sở họ áp dụng rất máy móc, cứng nhắc vì cấp nọ sợ cấp kia kiểm tra, góp ý, phê bình nên thà làm thừa chứ không bao giờ làm thiếu.

Có lẽ, giáo viên không sợ khó, không sợ phiền và cũng không phải cái gì cũng than vãn, kêu ca nhưng chính vì sự bất cập trong chỉ đạo khiến cho giáo viên mất quá nhiều thời gian vào những công việc không cần thiết nên họ đành phải lên tiếng.

Ai cũng biết, đi dạy thì giáo án rất quan trọng, những chuẩn bị, dự trù của người thầy cho mỗi bài giảng là rất cần thiết để tiết dạy được hiệu quả nhưng giáo án càng ngắn gọn thì càng tiện lợi cho giáo viên.

Vì thế, những kế hoạch của tổ chuyên môn, của giáo viên theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH không cần thiết phải dài dòng đến như thế bởi giáo viên mỗi năm học thì có thể họ dạy nhiều khối, đảm nhận nhiều công việc khác nhau lắm.

Rõ ràng, Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đang thể hiện những bất cập và những điều mà giáo viên thắc mắc, băn khoăn thì Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học đã lý giải nhưng chưa làm cho họ thực sự hài lòng, yên tâm bởi nó vẫn mông lung và mâu thuẫn lắm.

Tài liệu tham khảo:

[1] Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, xem tại:

http://c3nguyencongtru.daklak.edu.vn/cong-van-5512bgddt-gdtrh-ngay-18122020-cua-bo-giao-duc-va-dao-tao-vv-xay-dung-va-to-chuc-thuc-hien-ke-hoach-giao-duc-cua-nha-truong-kem-theo-cac-phu-luc.html

[2] Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học giải thích mẫu giáo án 5512 và thư công tác, xem tại:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-vu-giao-duc-trung-hoc-giai-thich-mau-giao-an-5512-va-thu-cong-tac-post218343.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-lam-on-cho-xem-mau-giao-an-5512-chi-3-5-trang-cho-noi-cho-qua-chuyen-post218399.gd