Vụ trường mầm non bỏ không ở Lý Sơn: Xã hội hóa để trả lương cho giáo viên ?
So với phương án xin thêm biên chế, việc xã hội hóa bằng hình thức vận động phụ huynh góp tiền để trả cho số giáo viên hợp đồng dự kiến tuyển thêm được xem là phương án khả thi nhất để chấm dứt tình trạng trường học bỏ không tại huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Liên quan đến vụ các phòng học của 2 điểm trường mầm non xã An Vĩnh và xã An Hải (huyện Lý Sơn) xây xong phải đóng cửa vì thiếu giáo viên, ông Trương Văn Sửu - Phó Trưởng ban Tổ chức Nội vụ - LĐ-TB&XH huyện Lý Sơn cho biết: "Hiện nay xin thêm một vài biên chế đã khó, vì vậy một lúc mà xin đến 26 biên chế bậc học mầm non thì khó mà tỉnh chấp thuận”.
Theo ông Sửu, đề xuất của chính quyền Lý Sơn với Huyện ủy cho phép xã hội hóa bằng hình thức vận động phụ huynh góp tiền để trả cho số giáo viên hợp đồng dự kiến tuyển thêm là khả thi hơn cả.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Vy - Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết: "Huyện ủy vẫn chưa nhận được văn bản chính thức, nhưng lãnh đạo chính quyền đã có trao đổi. Hiện nay, việc tinh giản biên chế và cắt toàn bộ số lao động hợp đồng tại các cơ quan nhà nước là tình hình chung của cả nước. Vì vậy, giải pháp xin tỉnh cho tuyển thêm 26 giáo viên mầm non để bù vào số đang thiếu hụt và có giáo viên đứng lớp tại các phòng, lớp mới xây là điều không thể".
Mặc dù vậy, theo ông Vy, vấn đề xã hội hóa để trả lương cho giáo viên cần phải xem xét kỹ, đối chiếu với các quy định hiện hành có đúng hay không, trong trường hợp cần thiết thì tham vấn các cơ quan chuyên môn và cấp thẩm quyền tỉnh. Trên cơ sở đó, Huyện ủy mới đưa ra quyết định hợp lý, hợp tình.
“Đây là việc làm cần thiết, chính đáng và đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của người dân trong huyện, nhưng nếu không thận trọng và có sự giải thích thấu đáo cho người dân hiểu thì rất dễ gây ra những hiểu nhầm, dư luận không tốt trong nhân dân”, ông Vy nói.
Trước đó, như báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, các điểm trường mầm non tại xã An Hải và xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn) với tổng mức đầu tư lên đến trên 11 tỷ đồng vừa xây xong đã bỏ không vì thiếu giáo viên.
Trong khi đó, tại nhiều lớp ở các điểm trường chính, các cháu phải chịu cảnh phòng lớp chật chội do số lượng học sinh đông, hơn nữa bình quân giáo viên mỗi lớp lại “hụt” so với quy định đã gây nhiều bức xúc.
Để giải quyết tình trạng này, chính quyền huyện đề nghị tỉnh cho thêm đến 26 biên chế, đồng thời đề xuất Huyện ủy Lý Sơn cho phép vận động phụ huynh góp tiền (xã hội hóa) để trả cho số giáo viên hợp đồng dự kiến tuyển thêm.