Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học: Mỗi bản mẫu SGK lớp 2 họp thẩm định không quá 5 ngày
Năm học 2020 - 2021, giáo dục tiểu học được đặt lên vai nhiều sứ mệnh khi triển khai đồng thời 2 chương trình GDPT (chương trình GDPT hiện hành và GDPT mới với lớp 1); chuẩn bị thay sách giáo khoa lớp 2.
Theo TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ đòi hỏi sự chuẩn bị và quyết tâm lớn của toàn ngành, đặc biệt đội ngũ GV, sự đồng hành của địa phương.
Trao quyền chủ động cho nhà trường
- Nhìn lại thành tựu và tồn tại của năm học 2019 - 2020, theo ông, giáo dục tiểu học cần khắc phục những vấn đề nào?
- Để có được kết quả tốt hơn trong năm học mới, giáo dục tiểu học cần sớm khắc phục một số hạn chế.
Trước hết, trong công tác tham mưu của cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) ở một số đơn vị thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao. Việc phân cấp QLGD tại một số địa phương chưa phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm và sáng tạo của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Một số CBQL chưa mạnh dạn thực hiện các giải pháp đổi mới quản lý, phương pháp giáo dục (PPDH) của cấp học, đặc biệt vẫn còn nặng về quản lý hành chính, việc quản trị trường học tuy có chuyển biến nhưng chưa rõ nét, cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn…
Mặt khác, cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ GV tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục chưa đồng đều. Việc thực hiện đổi mới PPDH của một bộ phận GV còn hạn chế, cần tiếp tục đẩy mạnh.
Việc thực hiện giảm áp lực cho GV chưa được các cấp quản lý chú trọng. Đánh giá GV theo chuẩn nghề nghiệp ở một số trường tiểu học còn hình thức, chưa phản ánh đúng năng lực và hiệu quả công việc, đâu đó có biểu hiện thiếu dân chủ...
- Năm học mới, giáo dục tiểu học thực hiện song song 2 chương trình: GDPT hiện hành và GDPT 2018. Ông có lưu ý gì với các
địa phương?
- Thực hiện chương trình GDPT hiện hành, các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT cần giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS.
Cụ thể: Xây dựng kế hoạch giáo dục bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, lựa chọn nội dung giáo dục tự chọn và xây dựng các hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu của HS, điều kiện của nhà trường, địa phương...
Tăng cường các hoạt động thực hành, trải nghiệm, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho HS...
Điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, phù hợp với đối tượng HS vùng miền. Từng bước thực hiện đổi mới nội dung, PPDH theo hướng phát triển năng lực HS; cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục nhẹ nhàng, tự nhiên
hiệu quả...
Xây dựng kế hoạch giáo dục, phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục; tạo điều kiện cho HS được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục… Tích cực, chủ động tham mưu chính quyền địa phương đầu tư để bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số HS/lớp theo quy định; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu, tỷ lệ GV/lớp và cơ cấu GV đủ để dạy các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định.
Với Chương trình GDPT 2018 mới, trường tiểu học xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và tổ chức dạy học lớp 1 theo hướng dẫn tại Công văn số 3866 và các văn bản hướng dẫn chuyên môn được Bộ GD&ĐT ban hành.
Đối với nơi chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng cho các môn học tự chọn, hoạt động củng cố và giáo dục khác.
Tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học theo hướng dẫn tại Công văn số 3536. Khuyến khích các địa phương có điều kiện tham khảo nội dung giáo dục tiên tiến theo mô hình giáo dục hiện đại để đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường…
Chuẩn hóa đội ngũ
- Đảm bảo đội ngũ GV và CBQL đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng theo chuẩn nghề nghiệp là chìa khóa để triển khai Chương trình GDPT mới thành công. Các địa phương cần tập trung vào vấn đề trọng tâm nào?
- Trước hết, cần thực hiện đầy đủ Chỉ thị số 1737 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; Thực hiện quản lý, đánh giá đội ngũ GV, CBQLGD theo tiêu chuẩn nghề nghiệp; rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng GV theo chuẩn về trình độ đào tạo; bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 102 của Chính phủ.
Thực hiện bồi dưỡng GV, CBQLGD để triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ cho GV đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với GV tiểu học.
Dự kiến phân công GV dạy học lớp 2 năm học 2021 - 2022 để tập trung bồi dưỡng, bảo đảm 100% GV dạy học lớp 2 được bồi dưỡng về Chương trình GDPT 2018 và hướng dẫn sử dụng SGK lớp 2 trước khi năm học 2021 - 2022 bắt đầu.
- Chuẩn bị thay SGK lớp 2, công tác này hiện tiến hành tới đâu, thưa ông?
- Sau khi hết thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định SGK lớp 2, lớp 6, Vụ Giáo dục Tiểu học đã tiếp nhận hồ sơ của 4 đơn vị NXB với 33 bản mẫu tương ứng đủ 9 môn học/hoạt động giáo dục lớp 2.
Vụ đã rà soát và khẳng định tính đầy đủ, hợp lệ của các hồ sơ đề nghị thẩm định. Trên cơ sở đó, Vụ đã tham mưu trình Bộ trưởng ban hành Quyết định về việc thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 và Quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 môn Giáo dục thể chất, trong đó cơ cấu từng hội đồng đối với môn học/hoạt động giáo dục.
Vụ Giáo dục Tiểu học đã gửi các bản mẫu SGK đến từng thành viên hội đồng thẩm định để nghiên cứu độc lập. Sau 15 ngày theo quy định, Vụ Giáo dục Tiểu học đã trình lãnh đạo Bộ phê duyệt việc tổ chức họp thẩm định SGK lớp 2. Bộ GD&ĐT cũng ban hành Công văn hướng dẫn Hội đồng thẩm định SGK lớp 2 và Công văn triệu tập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2. Trong đó, mỗi bản mẫu SGK lớp 2 họp thẩm định không quá 5 ngày.
Hiện tại, Hội đồng thẩm định SGK lớp 2 đang tiến hành công việc theo lộ trình, kế hoạch đặt ra.
- Xin cảm ơn ông!