Vụ tướng lĩnh hàng đầu thiệt mạng: Iran gửi tín hiệu rắn tới Mỹ
Lực lượng tinh nhuệ Iran nói rằng bất cứ cam kết nào về việc không tìm cách trả thù cho vụ người Mỹ ám sát chỉ huy Quân đoàn vệ binh cách mạng Hồi giáo Soleimani là 'một điều viển vông'.
Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, họ sẽ tiếp tục tìm cách đáp trả vụ vị tướng hàng đầu của lực lượng này bị giết hại trong một cuộc tấn công của Mỹ. Họ không coi đây là một điều kiện trao đổi để Mỹ chấm dứt các lệnh trừng phạt trong quá trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân của nước này và Washington.
Tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds tinh nhuệ, một nhánh hoạt động ở nước ngoài của IRGC, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq vào tháng 1 năm 2020.
"Đối thủ đã nhiều lần yêu cầu chúng tôi từ bỏ việc báo thù cho Tướng Qasem Soleimani, để dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Nhưng đây là một điều viển vông", trang tin tức Sepah News của IRGC dẫn lời chỉ huy lực lượng hải quân Iran, Chuẩn đô đốc Alireza Tangsiri.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh giết Soleimani, vào thời điểm đó nói rằng vị tướng lĩnh này đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công "sắp xảy ra" nhằm vào nhân viên Mỹ ở thủ đô của Iraq.
Iran đã đáp trả vụ ám sát Soleimani bằng cách bắn tên lửa vài ngày sau đó vào các căn cứ của Iraq, nơi có quân đội Mỹ. Các cuộc tấn công và trả đũa này vào lúc đó đã đẩy khu vực Trung Đông trước nguy cơ xung đột quy mô lớn.
Iran cần ra quyết định
Iran đã tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp với Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc, và gián tiếp là Mỹ trong một năm qua để khôi phục một thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt năm 2015, được chính thức gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).
Vào năm 2018, hai năm trước khi tướng Soleimani thiệt mạng, Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Điều này đã khiến Tehran dần từ bỏ các cam kết của mình.
Các cuộc đàm phán hiện tại ở thủ đô Vienna của Áo đang hướng đến đưa Washington quay lại thỏa thuận này, bao gồm cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và đảm bảo Tehran tuân thủ đầy đủ các cam kết của nước này.
Trong số những vấn đề còn tranh cãi còn là việc Tehran yêu cầu Mỹ xóa IRGC khỏi danh sách các tổ chức "khủng bố".
Mỹ cho biết hôm thứ Năm rằng, nếu Iran muốn được giảm bớt các lệnh trừng phạt thì nước này phải giải quyết "những lo ngại của Mỹ".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Chúng tôi không đàm phán công khai, nhưng nếu Iran muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt bên lề JCPOA, họ cần giải quyết các mối quan ngại của chúng tôi bên lề JCPOA. Ngược lại, nếu họ không muốn sử dụng các cuộc đàm phán này để giải quyết các vấn đề song phương khác ngoài JCPOA, thì chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về JCPOA và bắt đầu thực hiện lại thỏa thuận", người phát ngôn này nói thêm. "Iran cần phải đưa ra quyết định."
Tiếp tục áp dụng các công cụ mạnh mẽ
Lực lượng Quds là tổ chức tình báo và bán quân sự của IRGC phụ trách kiểm soát lực lượng dân quân đồng minh của họ ở nước ngoài. Chính quyền Trump đã đưa IRGC vào danh sách các Tổ chức Khủng bố Nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2019, đánh dấu lần đầu tiên Washington chính thức xác định quân đội của một quốc gia khác là một nhóm "khủng bố".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Dù quay lại JCPOA theo bất kỳ điều khoản nào, Mỹ cũng vẫn duy trì và tích cực sử dụng các công cụ mạnh mẽ của chúng tôi để giải quyết các hoạt động gây bất ổn của Iran và sự hỗ trợ của họ đối với chủ nghĩa khủng bố và các tổ chức khủng bố, đặc biệt sự hỗ trợ từ IRGC.
Các chính trị gia cánh hữu của Mỹ và Israel, đối thủ không đội trời chung của Iran, đã cảnh báo Washington về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với IRGC.
Iran tuần này cho biết "các vấn đề kỹ thuật" từng bị tạm dừng trong tiến trình đàm phán đã được giải quyết, nhưng các vấn đề "chính trị" vẫn chưa được giải quyết, điều có thể gây khó khăn cho việc đi đến ký kết bất kỳ thỏa thuận nào.
"Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh [với Washington] rằng Iran không sẵn sàng từ bỏ lằn ranh đỏ của mình," Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết hôm thứ Năm, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết "thủ phạm, quan chức, đồng phạm và cố vấn" trong cái chết của Soleimani "sẽ bị trừng phạt", đồng thời nói thêm "những người này phải bị đưa ra công lý".