Vụ UAV Triều Tiên xâm nhập không phận Hàn Quốc cho thấy điều gì?
Việc UAV Triều Tiên xâm nhập không phận Hàn Quốc cho thấy những thách thức phức tạp đối với an ninh quốc gia của nước này, theo Yonhap.
Ngày 27/12, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) mở cuộc điều tra các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ ở biên giới liên Triều để xác minh liệu có thiếu sót trong công tác phản ứng trước việc máy bay không người lái (UAV) Triều Tiên xâm nhập không phận Hàn Quốc.
Trước ý kiến hoài nghi năng lực đối phó với UAV của quân đội Hàn Quốc, giới chức nước này chỉ ra thực tế tồn tại nhiều khó khăn trong việc phát hiện UAV cỡ nhỏ (trong sự việc này mỗi chiếc dài khoảng 2m) và bắn hạ trong các khu vực đông dân cư.
Tại cuộc họp báo, phát ngôn viên JCS Lee Sung-jun cho biết: “Có một số hạn chế đáng kể trong việc phát hiện, nhận dạng UAV có kích thước nhỏ hơn 3m”, khẳng định biện pháp đối phó của quân đội Hàn Quốc trước UAV Triều Tiên còn phải tính đến yếu tố tránh gây thiệt hại cho dân thường.
Trong cuộc họp nội các cùng ngày 27/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố đẩy nhanh thành lập đơn vị quân đội chuyên về UAV với nhiệm vụ trinh sát, giám sát UAV.
Trước đó, ngày 26/12, 5 UAV nghi từ Triều Tiên đã bay vượt qua giới tuyến liên Triều, trong đó 1 UAV bay thẳng tới khu vực phía bắc thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên UAV từ Triều Tiên bay vượt qua giới tuyến liên Triều trong 5 năm qua.
Hàn Quốc đã triển khai tiêm kích, trực thăng vũ trang, cường kích hạng nhẹ KA-1 để ứng phó, trong đó 1 trực thăng khai hỏa 100 phát đạn về phía UAV Triều Tiên. Tuy nhiên, không UAV nào bị bắn rơi dù hiện diện trong không phận Hàn Quốc suốt 5 giờ. Theo hãng tin Yonhap, sự việc cho thấy UAV Triều Tiên - được cho là có khả năng thực hiện nhiệm vụ tấn công, có thể trở thành công cụ tấn công vào điểm yếu của Hàn Quốc.
Cũng theo Yonhap, Hàn Quốc đã tập trung chủ yếu vào mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thay vì những vật thể bay kích thước nhỏ, khó bị đánh chặn.
Hãng Yonhap dẫn lời một số chuyên gia quân sự cho rằng biện pháp ứng phó của quân đội Hàn Quốc trong vụ UAV Triều Tiên xâm nhập ngày 26/12 đã tuân theo quy trình quân đội nước này vạch ra sau một số vụ xâm nhập không phận của UAV Triều Tiên trước đây, bao gồm các vụ việc trong năm 2014 và 2017. Tuy nhiên, thực tế quân đội Hàn Quốc thất bại trong việc phá hủy các UAV cho thấy nhu cầu cần cải thiện năng lực phòng thủ.
Ông Bruce Bennett, nhà phân tích quốc phòng tại tổ chức RAND Corp., có trụ sở tại Mỹ, cho rằng việc UAV Triều Tiên xâm nhập không phận Hàn Quốc gửi đi thông điệp chính trị quan trọng về năng lực quân sự của Triều Tiên. Ông Bennett cũng cho rằng giới chức Mỹ, Hàn Quốc cần xem xét mối đe dọa từ UAV Triều Tiên một cách nghiêm túc và chuẩn bị các biện pháp phòng thủ thích hợp.
Ông Bennett cũng đề xuất một số phương án như tích hợp thiết bị gây nhiễu trên tiêm kích Hàn Quốc để ngăn cản quá trình truyền tín hiệu giữa Triều Tiên tới các UAV, khiến những phương tiện này bị rơi. Một phương án khác là gắn thiết bị đánh chặn trên tiêm kích Hàn Quốc để phóng thiết bị này tiêu diệt UAV thay vì bắn loạt đạn pháo nhằm tránh gây thiệt hại cho dân thường.
Nhận định về mục đích Triều Tiên điều UAV xâm nhập không phận Hàn Quốc lần đầu tiên trong 5 năm, ông Bennett cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách kiểm tra chức năng camera của UAV cùng các thiết bị khác, thăm dò năng lực phòng thủ biên giới của Hàn Quốc, thu thập thông tin tình báo về các đơn vị quân đội của Seoul.
Các chuyên gia cho rằng chương trình UAV của Triều Tiên dường như nằm trong nỗ lực đối phó với ưu thế trên không của liên minh Mỹ - Hàn Quốc vốn sở hữu những thiết bị quân sự tiên tiến, bao gồm tiêm kích tàng hình. Từ lâu, Bình Nhưỡng đã tìm cách đẩy mạnh các chương trình chi phí thấp nhưng hiệu quả nhằm thu hẹp khoảng cách về quân sự với Seoul.
Ông Nam Chang-hee, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Inha, cho rằng có lẽ chương trình UAV của Triều Tiên được thực hiện để bù đắp khoảng cách về năng lực không quân với liên minh Mỹ - Hàn Quốc, nhằm chứng minh Bình Nhưỡng cũng sở hữu những loại vũ khí của riêng và giáng cú sốc về tâm lý cho Seoul.
Triều Tiên được cho là bắt đầu phát triển UAV từ những năm 1990 nhằm tăng cường năng lực giám sát. Ước tính Bình Nhưỡng sở hữu khoảng 1.000 UAV, bao gồm dòng "Banghyun" được phát triển dựa trên hệ thống UAV D-4 được cho là nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc sở hữu hàng trăm UAV công nghệ cao, bao gồm 4 máy bay trinh sát không người lái Global Hawk do Mỹ sản xuất.