Vụ việc cắt cầu phao Định Công: Huyện Thiệu Hóa vào cuộc xử lý dứt điểm mâu thuẫn, học sinh và nhân dân đã lưu thông bình thường
Cầu phao Định Công bắc qua sông Cầu Chày, nối xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa và xã Định Công, huyện Yên Định. Đây là cây cầu giữ mạch giao thông giữa hai địa phương. Từ giữa tháng 9, do phát sinh mâu thuẫn về quyền lợi giữa các bên liên quan, nên người đấu thầu bên phía xã Định Công đã cắt cầu phao khiến cho hàng chục học sinh huyện Yên Định đứng trước nguy cơ không thể đến trường. Trước sự việc này, UBND huyện Thiệu Hóa đã vào cuộc, chỉ đạo giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, bảo đảm nhu cầu đi lại cho học sinh và Nhân dân 2 địa phương.
Cầu phao Định Công bắc qua sông Cầu Chày.
Ngày 15-9, một người dân ở xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa đã tiến hành thu phí đầu cầu phía xã Thiệu Quang khiến cho người đấu thầu và thu phí qua cầu phao lâu nay là ông Nguyễn Nam Cương, xã Định Công, huyện Yên Định thấy quyền lợi của mình không còn bảo đảm, nên cắt cầu. Điều này làm hàng chục lượt người dân và khoảng 70 học sinh huyện Yên Định đi học ở Trường THPT Nguyễn Quán Nho, đóng ở xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa không thể qua lại.
Ông Cương cho biết: “Tôi đã hỏi người đứng thu tiền bên phía xã Thiệu Quang, họ nói đã có hợp đồng với UBND xã Thiệu Quang nên việc thu tiền bến là hợp pháp. Trong khi cầu phao là do gia đình tôi đầu tư, đấu thầu và thu tiền từ hàng chục năm qua“”
Phóng viên Báo Thanh Hóa trao đổi với ông Nguyễn Nam Cương.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Hóa, từ năm 1988, do nhu cầu đi lại của người dân và học sinh hai bên sông Cầu Chày, bố ông Nguyễn Nam Cương là cụ Nguyễn Văn Đắc, xã Định Công đã làm đơn xin phép huyện Thiệu Yên (sau chia tách thành hai huyện Thiệu Hóa và Yên Định), để xây dựng cầu phao này.
Đến năm 2004, UBND xã Thiệu Quang có hợp đồng cho ông Nguyễn Văn Dung, đấu thầu quản lý phần bến bên phía xã nhà (không phải phần cầu phao) và từ đó, ông Dung và ông Cương cùng hợp tác quản lý. Hằng năm, đều bỏ tiền hàng chục triệu đồng để tu sửa, bảo dưỡng cầu theo tỷ lệ thỏa thuận giữa hai bên, ông Dung có trách nhiệm nộp lại một phần nhỏ cho UBND xã Thiệu Quang, ông Cương nộp cho xã Định Công. Tuy nhiên, ngày 31-8-2021, UBND xã Thiệu Quang đã cho thanh lý hợp đồng đấu thầu bến với ông Dung, do một người khác trúng thầu và người này đứng ra thu tiền nên phát sinh mâu thuẫn.
Cầu phao Định Công được xây dựng vào năm 1988, hằng năm đều được đầu tư tu sửa, bảo dưỡng.
Trước sự việc này, UBND huyện Thiệu Hóa đã vào cuộc kiểm tra, chỉ đạo xử lý. Ông Hoàng Trọng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo xã Thiệu Quang hủy hợp đồng của xã về việc khai thác cầu phao Định Công với công dân. Đồng thời, đấu mối, chuyển giao cho xã Định Công (Yên Định) sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng và xã Thiệu Quang dừng không thu phí, lệ phí liên quan đến cầu phao; đồng thời, phối hợp với xã Định Công bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho học sinh cũng như người dân qua cầu phao và sau 2 ngày cầu phao đã được nối lại.
Ghi nhận thực tế vào sáng 20-9, có rất ít người và phương tiện qua cầu phao và mức phí qua đây cũng khá thấp, chỉ 3.000 đồng cho người đi xe đạp, 5.000 đồng cho người đi xe mô tô. Những người đi chợ hay thăm thân 2 chiều cũng chỉ phải nộp tiền một lần. Theo ông Nguyễn Nam Cương, số học sinh qua cầu chiếm đến 90%, nhưng ông chủ yếu tạo điều kiện cho các cháu, thu cả năm khoảng 200 nghìn đồng/một cháu.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Thiệu Quang Đỗ Viết Tứ lý giải: Xã thanh lý hợp đồng quản lý bến với ông Dung chứ không phải thanh lý cầu phao, sau đó có người khác đấu thầu lại.
Sau khi có chỉ đạo của UBND huyện, xét thấy nhu cầu đi lại của người dân Thiệu Quang sang Yên Định qua cầu phao rất ít, mà chủ yếu là học sinh bên phía Yên Định sang học Trường THPT Nguyễn Quán Nho. Bởi trên thực tế, như học sinh xã Định Công sang đây học THPT chỉ từ 3 km đến 4 km, nhưng lên thị trấn Quán Lào (Yên Định) tới 15 km. UBND xã đã thống nhất và giao toàn bộ việc đấu thầu, thu phí, quản lý cầu phao về xã Định Công, huyện Yên Định. Xã Thiệu Quang tạo điều kiện cho học sinh bên Yên Định, cũng như người dân đi lại, bảo đảm an ninh - trật tự và các vấn đề phát sinh trên địa bàn.