Vụ việc ở BV Đa khoa Nam Định: Không chỉ tiền mà là tư duy tiếp đón người bệnh

Vụ việc bệnh nhi bị từ chối cấp cứu vì chưa nộp đủ tiền không chỉ gây phẫn nộ mà còn bóc tách nhiều tồn tại - từ quy trình tiếp đón đến thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.

Chia sẻ của các nhân vật trong bài viết được phóng viên VOV2 ghi từ lời phỏng vấn trực tiếp, đã biên tập cho rõ nghĩa, không làm sai lệch nội dung.

Người bệnh mong gì?

Một bệnh nhi 6 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định trong tình trạng nguy cấp, nhưng vì không có đủ 2 triệu đồng, cháu bé đã bị từ chối tiếp nhận (theo nội dung trong clip đăng tải trên mạng xã hội). Sự việc khiến dư luận phẫn nộ, đồng thời chạm đến một nỗi bất an sâu xa: liệu không đủ tiền có được cứu chữa khi đến bệnh viện?

Ghi nhận của phóng viên VOV2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định những ngày qua cho thấy, dư âm của vụ việc ấy không dừng lại ở một tình huống cụ thể, mà bóc tách nhiều tồn tại - từ quy trình tiếp đón đến thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định

“Chúng tôi đến bệnh viện vì bệnh tật, khổ lắm mới đến. Đừng bắt chúng tôi khổ thêm vì thái độ” - một người nhà bệnh nhân thốt lên như vậy, sau nhiều giờ chờ đợi, trong tâm trạng mệt mỏi và bức xúc.

Bà Trần Thị Loan, 78 tuổi đi khám định kỳ vì bệnh tim, kể: “Tôi đến từ 7-8 giờ sáng, lấy số từ sớm mà vẫn phải đợi đến tận chiều muộn mới được khám. Người phục vụ thì ít, bác sĩ thì bận bịu, giấy tờ rườm rà”.

Một người dân sinh sống gần bệnh viện chia sẻ: “Không riêng vụ vừa rồi đâu. Muốn được mổ cấp cứu mà trong túi không có đủ tiền thì gần như không ai đoái hoài. Người bệnh thì đau đớn, mà bác sĩ thì chỉ hỏi: ‘có đóng tiền chưa’ rồi mới tính tiếp”.

Bà Trần Thị Loan kể lại quá trình đi khám chữa bệnh tại BV Đa khoa tỉnh Nam Định

Bà Trần Thị Loan kể lại quá trình đi khám chữa bệnh tại BV Đa khoa tỉnh Nam Định

Người này cũng phản ánh hiện tượng “gợi ý” phải chi thêm nếu muốn chuyển viện nhanh, hoặc “được khám sớm”. “Có bệnh thì vái tứ phương, nhưng nếu bệnh viện cũng đặt nặng tiền lên trên hết thì dân biết tin ai?”, người dân này đặt câu hỏi.

Một người nhà bệnh nhân khác kể lại: “Cô tôi đau ruột thừa, đến siêu âm mà bác sĩ đang ăn cơm. Cứ bảo ngồi đợi. Đợi đến chán, tôi phải chạy đi gọi, mới chịu khám. Bệnh viện Nhà nước thì thủ tục rườm rà, không như tư nhân – họ làm nhanh, sạch sẽ. Nhiều khi đi khám mà thấy nản”.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự cố vừa qua không chỉ là lỗi giao tiếp, mà phản ánh lỗ hổng trong quy trình tiếp đón và tư duy tiếp cận người bệnh. Trước áp lực dư luận và trách nhiệm xã hội, lãnh đạo bệnh viện đã lên tiếng.

“Chúng tôi có trách nhiệm trong vụ việc này”

Ths.BS Hoàng Ngọc Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định xác nhận: "Bệnh viện chúng tôi là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, lượng bệnh nhân đến rất lớn. Đối với vụ việc vừa qua, sau khi khám sàng lọc, chúng tôi có chỉ định cận lâm sàng cho bệnh nhi. Tuy nhiên, trong quá trình thao tác nghiệp vụ trên phần mềm, có sự trao đổi giữa các nhân viên y tế mà người nhà vô tình nghe được, hiểu lầm rằng không có đủ tiền thì không được cấp cứu, dẫn đến bức xúc và rút điện thoại quay clip".

Bác sĩ Hoàng Ngọc Hà cho biết: "Sau đó, cháu bé vẫn được thực hiện đầy đủ các cận lâm sàng gồm chụp CT, siêu âm, X-quang và được cấp cứu tại khu lưu bệnh. Đến khi bố mẹ cháu đến, mang theo giấy tờ và thẻ bảo hiểm y tế, bệnh viện hoàn tất các thủ tục chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương theo nguyện vọng của gia đình".

"Chúng tôi nhìn nhận có trách nhiệm trong khâu tiếp đón và giải thích cho người nhà bệnh nhân. Bệnh viện đã đình chỉ kíp nhân viên liên quan và có báo cáo chính thức lên Sở Y tế cũng như các cơ quan chức năng" - bác sĩ Hoàng Ngọc Hà nói.

Ths.BS Hoàng Ngọc Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định

Ths.BS Hoàng Ngọc Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định

Về tình trạng phản ánh thái độ ứng xử của nhân viên y tế, ông thẳng thắn: "Phản ánh này có từ lâu. Chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chấn chỉnh tinh thần và thái độ phục vụ, vì bệnh nhân là nguồn sống của bệnh viện. Tuy nhiên, để thay đổi một nền nếp đã tồn tại nhiều năm thì không thể một sớm một chiều".

Trả lời về việc cơ sở vật chất xuống cấp, bác sĩ Hà cho biết: "Hiện tại bệnh viện chỉ được duy trì hoạt động ở mức tối thiểu để chờ chuyển sang cơ sở mới. Máy móc thiếu, thiết bị hỏng, nhiều quy trình bị dồn ứ. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi đã có cải tiến nhỏ như bố trí bác sĩ khám sớm từ 6h30 sáng, tăng cường hướng dẫn và tinh giản thủ tục hành chính. Nhưng đúng là vẫn còn nhiều bất cập".

"Chúng tôi xác định vụ việc vừa qua là hồi chuông cảnh tỉnh. Bệnh viện phải thay đổi để không đánh mất niềm tin của người dân" – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định nhấn mạnh.

Trong khi người dân cần một lời xin lỗi và hành động cải thiện cụ thể thì những gì đại diện lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định đưa ra lại thiên về giãi bày hoàn cảnh và lý giải khó khăn. Nhưng, bệnh nhân không tìm đến bệnh viện để nghe giải thích - họ đến để được chăm sóc, được cứu chữa, với sự tôn trọng và trách nhiệm đúng nghĩa.

“Chỉ nói ‘phải cứu’ là chưa đủ”

Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định – ông Trần Huy Đoàn cho biết, Sở đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định phối hợp với cơ quan công an, trích xuất toàn bộ camera và âm thanh để làm rõ sự việc: “Chúng tôi đã yêu cầu bệnh viện phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh, để xác minh nội dung đoạn clip chia sẻ trên mạng xã hội. Đó chỉ là một lát cắt ngắn trong toàn bộ quy trình tiếp nhận cấp cứu. Việc đánh giá đúng – sai phải chờ kết quả điều tra chính thức”.

Ông Trần Huy Đoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định

Ông Trần Huy Đoàn cũng thừa nhận: “Có những ý kiến phản ánh về thái độ phục vụ của cán bộ y tế là đúng. Trong thời gian qua, Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị khám, chữa bệnh, đặc biệt là tuyến tỉnh – thực hiện nghiêm các quy định về giao tiếp, ứng xử. Nhưng để chuyển biến thật sự, cần thời gian và cả thay đổi từ văn hóa hành nghề”.

Liên quan đến năng lực tiếp đón người bệnh, lãnh đạo Sở Y tế cho biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang chịu áp lực lớn về cơ sở vật chất và nhân lực: “Hiện tỉnh đang hoàn thiện cơ sở mới cho bệnh viện, đồng thời đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại và đào tạo nhân lực chuyên sâu. Khi cơ sở mới đi vào hoạt động trong 12 tháng tới, quy trình tiếp đón và điều trị sẽ thuận lợi hơn nhiều”.

Về phần mình, Sở Y tế cam kết tiếp tục giám sát, đánh giá chất lượng bệnh viện hằng năm và không để sự việc đáng tiếc tương tự tái diễn.

Đáng chú ý, ông Trần Huy Đoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng chỉ ra một thực tế đang tạo sức ép vô hình lên đội ngũ y tế: "Hiện các bệnh viện đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Tất cả chi phí - từ thuốc men, vật tư, đến lương nhân viên - đều phụ thuộc vào nguồn thu. Trong tình huống cấp cứu, nếu không thu được tiền từ người nhà, thì chính cán bộ y tế, kíp trực sẽ phải chịu sức ép tài chính rất lớn".

Ông Trần Huy Đoàn nhấn mạnh: "Không thể chỉ yêu cầu bác sĩ phải luôn ưu tiên cấp cứu, mà không có cơ chế tài chính kịp thời để hỗ trợ họ. Cấp cứu là nguyên tắc tối thượng, nhưng để giữ được nguyên tắc ấy lâu dài, cần cả chính sách đi kèm, chứ không chỉ là một thông điệp".

Phạm Trang - Phương Thảo/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vu-viec-o-bv-da-khoa-nam-dinh-khong-chi-tien-ma-la-tu-duy-tiep-don-nguoi-benh-post1197542.vov