Vụ việc sai phạm tại Thừa Thiên - Huế: Bịa lý do 'đi cảm ơn cấp trên' để làm tiền dân nghèo
Người dân ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn khởi vì được Nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây tuyến đường bê tông nông thôn. Nhưng lãnh đạo xã tổ chức họp, thu hàng chục triệu đồng mang 'đi biếu'...
Trước đó, ngày 15/7/2019, ông Trần Thanh Long (Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang) có Văn bản số 573/UBND-XD gửi UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính. Văn bản nêu: “Trên cơ sở đề nghị của UBND xã về việc đầu tư các tuyến đường dân sinh phục vụ khu dân cư tái định cư di dời do sạt lở bờ sông; qua kiểm tra, nhận thấy hệ thống đường sá đang còn đường đất, lầy lội vào mùa mưa, chưa được bê tông hóa, nhân dân đi lại gặp khó khăn”. UBND huyện Phú Vang đề nghị tỉnh bố trí vốn.
Không lâu sau, những tuyến đường này đã được Nhà nước quan tâm đầu tư 100% kinh phí. Người dân chỉ chịu việc san lấp làm mặt bằng. Theo tìm hiểu, có 3 thôn (Lại Ân, Thanh Vinh, Vọng Trì) với 5 tuyến đường được thụ hưởng chương trình này. Thôn Lại Ân có hai tuyến (315m và 430m); thôn Thanh Trì hai tuyến (140m và 438m), thôn Vọng Trì một tuyến (300m).
Người dân vui mừng vì có con đường mới. Có điều họ đều thắc mắc chuyện lãnh đạo xã Phú Mậu thu tiền dân với lý do đi “cám ơn, đi biếu”... Vậy biếu ai? Vì sao phải biếu?
Theo những vị trưởng thôn trên, Bí thư Đảng ủy cùng Chủ tịch UBND xã đã tổ chức phiên họp yêu cầu các thôn thụ hưởng chương trình phải nộp tiền cho ông Nguyễn An Anh Tâm (Công chức Văn phòng xã).
Ngày 28/11, ông Nguyễn Văn Hiền (Trưởng thôn Lại Ân) nộp 17 triệu; ngày hôm sau, ông Phạm Ngọc Ánh (đại diện 5 hộ ở thôn Thanh Vinh) nộp 3,5 triệu; ngày 3/12, ông Nguyễn Hóa (Trưởng thôn Thanh Vinh) nộp 10 triệu. Các nhân chứng đều cung cấp giấy nộp tiền được viết trên mảnh giấy nhỏ không ghi nội dung thu tiền mà chỉ ghi tên người nộp, số tiền cùng chữ ký của ông Tâm.
Riêng ông Nguyễn Tá (thôn Vọng Trì) cho biết đã nộp cho ông Tâm 7,4 triệu nhưng tìm chưa ra giấy vì đó chỉ là mảnh giấy sơ sài, đơn giản. “Anh Tâm điện cho tôi lên xã nộp tiền gấp dù hôm đó là thứ Bảy. Sẵn có tiền đã thu của 8 hộ dân nên tôi đem nộp ngay. Trước đây, làm những con đường kiểu thế này Nhà nước hỗ trợ 7 phần, dân nộp 3 phần. Đợt này dân được miễn hoàn toàn nên xã yêu cầu chúng tôi nộp tiền “đi cảm ơn”.
Ông Nguyễn Hóa (Trưởng thôn Thanh Vinh) nói: “Dù là Trưởng thôn nhưng dự án này ai cho, của tổ chức nào, chính quyền xã không nói. Sau đó cả Bí thư, Chủ tịch xã bảo nộp tiền để đi cảm ơn, đi biếu ai đó… Điều này là lạ. Ví dụ họ có bỏ túi thì mình cũng không biết giám sát sao”.
Theo tìm hiểu của PV, những tuyến đường bê tông nói trên được Nhà nước cấp kinh phí hoàn toàn và việc thu 37,9 triệu đồng của xã có dấu hiệu trái luật. Số tiền trên dùng để làm gì? PV đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Giáo (Bí thư xã) và ông Trần Hiếu Cơ (Chủ tịch xã).
Ông Cơ xác nhận những tuyến đường được Nhà nước đầu tư 100%. Số tiền thu của dân, xã dùng “trả tiền làm mặt bằng, cảm ơn đơn vị thi công”.
“Khi nghe thông tin có dự án, tôi mời đại diện các thôn thụ hưởng đường lên làm việc, họp và thống nhất thu theo tuyến, tùy theo độ dài để “trả ơn” cho đơn vị thi công. Họ lấy thì mình trả, không lấy thì trả lại cho bà con”, ông Cơ nói.
PV phản bác: “Việc san lấp làm mặt bằng các xóm đều tự làm. Các đơn vị thi công làm theo hợp đồng đã có tiền công và lợi nhuận, lý do gì lại phải đi “trả ơn” họ?”. Đến lúc này Chủ tịch xã thừa nhận: “Chúng tôi sai. Xin rút kinh nghiệm”.
Ông Nguyễn Văn Giáo tiếp lời: “Đây là những tuyến đường dành cho các hộ dân khó khăn, tôi đặt vấn đề lên cấp trên từ tháng 4/2019. Đúng, đơn vị thi công làm gì mà mình cám ơn, “lại quả”. Việc này anh Cơ “nhầm”. Tôi thừa nhận việc thu tiền đó là chủ quan. Số tiền trên xã chưa sử dụng. Chúng tôi hứa sẽ tính toán cụ thể thông qua đầu mối các thôn để trả lại cho dân, hoặc đem số tiền đó đi đầu tư hạ tầng như bắt điện ở những tuyến đường trên”.