Vụ Việt Á: Cựu Giám đốc CDC Hải Dương nhận hối lộ 27 tỷ đồng, miễn trách nhiệm hình sự cựu Chủ tịch Hải Dương
Theo kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến đã nhận tổng số tiền 27 tỷ đồng do Công ty Việt Á chuyển; sau đó đưa một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương và nhờ người quen đứng tên sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng.
Nhận hối lộ từ Việt Á, cựu Giám đốc CDC Hải Dương nhờ bảo vệ mở sổ tiết kiệm
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố 38 bị can trong vụ án Công ty Việt Á về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng," "Tham ô tài sản," "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."
Theo đó, trong số 6 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ" có cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương Phạm Duy Tuyến.
Trước khi CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, Phạm Duy Tuyến và Phan Quốc Việt - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á thỏa thuận, thống nhất việc Công ty Việt Á sẽ chi cho Tuyến và một số lãnh đạo tỉnh Hải Dương số tiền từ 20-25% giá trị hợp đồng, để CDC Hải Dương ưu tiên sử dụng kit xét nghiệm của Việt Á và tạo điều kiện ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á theo đơn giá mà công ty đưa ra.
Thực hiện thỏa thuận chi “hoa hồng” nói trên, từ ngày 19/5-19/11/2021, ông Phạm Duy Tuyến 3 lần nhận tổng số tiền 27 tỷ đồng do Công ty Việt Á chuyển.
Số tiền này được bà Hồ Thị Thanh Thảo - Thủ quỹ Công ty Việt Á chuyển đến các tài khoản mà ông Tuyến cung cấp.
Cơ quan điều tra xác định, phía Việt Á đã chuyển 22 tỷ đồng đến tài khoản của ông Phạm Văn Cường - bảo vệ CDC Hải Dương (bạn học của ông Tuyến); chuyển 5 tỷ đồng vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Hiện (chủ tiệm vàng Kim Hiển) - thông gia với gia đình ông Tuyến.
Theo lời khai của bà Hiển, khoảng tháng 7/2021, vợ ông Tuyến có gọi điện mượn tài khoản để nhận tiền và bà đã đồng ý.
Sau đó tài khoản của bà Hiển nhận 13 tỷ đồng, trong đó có 5 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản với nội dung: “HO THI THANH THAO: nhờ tt tiền mua hàng”. Bà Hiển đã rút tiền mặt đưa cho vợ ông Tuyến.
Với số tiền nhận hối lộ, Phạm Duy Tuyến "biếu" cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD. Ngoài ra, Tuyến còn chia cho một số người, trong đó có Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương 7 tỷ đồng; Nguyễn Mạnh Cường, cựu Kế toán CDC Hải Dương 300 triệu; đưa cho nhiều người trong CDC Hải Dương hơn 1,8 tỷ đồng.
Ông Tuyến đã nhờ ông Phạm Văn Cường là bảo vệ CDC Hải Dương mở 1 sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng vào ngày 27/7/2021. Số tiền còn lại, ông Tuyến khai đã sử dụng cá nhân nhưng không nhớ được việc chi tiêu.
Đến nay, vợ ông Tuyến đã nộp khắc phục tổng hơn 12 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch Hải Dương được miễn trách nhiệm hình sự trong vụ Việt Á
Theo kết luận điều tra, quá trình Công ty Việt Á sản xuất, tiêu thụ kit xét nghiệm, Phan Quốc Việt đã đặt vấn đề, thông đồng với lãnh đạo tỉnh, CDC Hải Dương ăn chia lợi nhuận hợp đồng để được tạo điều kiện thuận lợi theo đơn giá do Công ty Việt Á đưa ra.
Ngoài những bị can bị đề nghị truy tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho rằng một số các cá nhân thuộc Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương có liên quan vụ án, song hành vi của họ chưa đến mức xem xét hoặc không có căn cứ xử lý hình sự.
Đối với ông Nguyễn Dương Thái - cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, theo kết luận điều tra, ông Thái giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh từ ngày 1/7/2016 đến 29/6/2021, là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh từ 1/2/2021 đến 29/6/2021.
Tuy nhiên, từ ngày 27/10/2020, ông Thái không giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, không nằm trong cấp ủy của tỉnh Hải Dương mà chỉ giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh trong thời gian tỉnh ủy Hải Dương kiện toàn công tác cán bộ.
Vì vậy, ông Thái tham gia các cuộc họp của Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhưng không phát biểu ý kiến liên quan đến việc cho Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm, mở rộng phạm vi xét nghiệm....
Thực hiện chỉ đạo của Phạm Xuân Thăng (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Thái đã "chỉ đạo Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành văn bản thông báo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan ký hợp đồng với Công ty Việt Á trong việc thực hiện các mẫu xét nghiệm COVID-19..."
Trong đó, giao CDC phối hợp với Công ty Việt Á mở rộng phạm vi xét nghiệm. Ông Thái ký 2 quyết định về việc tạm cấp kinh phí và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phục vụ phòng chống dịch đợt 1, đợt 2.
Trên cơ sở đó, CDC Hải Dương hoàn thiện hồ sơ đấu thầu, thanh toán cho Công ty Việt Á gần 130 tỷ đồng trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Theo cơ quan điều tra, do Phạm Xuân Thăng thông đồng, nhận tiền của Phan Quốc Việt để chỉ đạo quyết liệt cho Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm, tiêu thụ kit xét nghiệm. Ông Thái đã có ý kiến góp ý về việc “giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á cao hơn các hãng khác" nhưng ông Thăng vẫn chỉ đạo nên buộc phải thực hiện.
Ông Thái không bàn bạc, thống nhất với Phạm Xuân Thăng liên quan đến các kết luận theo thông báo của Tỉnh ủy Hải Dương; không biết về hành vi thông đồng, bảo vệ đơn giá kit xét nghiệm của cấp dưới; không thỏa thuận, thông đồng với Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến để làm lợi cho Công ty Việt Á.
Do vậy, không đủ căn cứ xác định ông Thái được nhận lợi ích vật chất từ Công ty Việt Á và các tổ chức, cá nhân khác, không có căn cứ xác định ông Thái có động cơ vụ lợi nên miễn trách nhiệm hình sự (vận dụng điểm c, khoản 2, Điều 29 Bộ luật hình sự và điểm b, khoản 3, Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao).
Ông Nguyễn Dương Thái đã bị kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng về vi phạm, khuyết điểm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 theo quyết định của Ban Bí Thư Trung ương Đảng; xóa tư cách Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ai là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án Việt Á?
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Thanh Long (khi là Bộ trưởng Bộ Y tế) đã can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm COVID-19; hiệp thương giá và kiểm tra hiệp thương sai quy định.
Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, doanh nghiệp này chi gần 800 tỷ đồng tiền "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân. Cụ thể:
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51 tỷ đồng).
Cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến nhận hối lộ 27 tỷ đồng
Cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trịnh Thanh Hùng nhận hối lộ 350.000 USD (tương đương hơn 7 tỷ đồng).
Cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn nhận hối lộ 300.000 USD (tương đương hơn 6,9 tỷ đồng).
Cựu Phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược Bộ Y tế (nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) Nguyễn Huỳnh nhận hối lộ hơn 53,9 tỷ đồng. Trong đó bị can đã chuyển cho ông Nguyễn Thanh Long hơn 49,9 tỷ đồng và giữ lại cho cá nhân 4 tỷ đồng.
Cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên nhận hối lộ 100.000 USD (tương đương hơn 2 tỷ đồng).
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đề cập đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Long được đánh giá là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có thành tích xuất sắc trong công tác, đã nộp khắc phục phần lớn số tiền nhận từ Phan Quốc Việt.
Đối với ông Chu Ngọc Anh, cơ quan điều tra đánh giá thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có thành tích xuất sắc trong công tác (chưa ghi nhận về việc nộp tiền khắc phục).
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Thăng đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận của Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến, đồng thời thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, có thành tích xuất sắc trong công tác.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra xác định, giá sản xuất tối đa một kit xét nghiệm Việt Á là hơn 143.000 đồng (trong đó giá nguyên liệu hơn 41.000 đồng, phí nhân công 32.000 đồng, phí sản xuất 27.700 đồng, bán hàng 16.000 đồng...). Giá này đã bao gồm chi phí hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận 5% theo quy định.
Trong năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và đã tiêu thụ 8,3 triệu kit theo đơn giá 470.000 đồng. Trong đó, Việt Á đã được thanh toán gần 6 triệu kit, tổng giá trị hơn 2.250 tỷ đồng.
Về thiệt hại của vụ án, kết luận điều tra xác định lợi nhuận định mức mà Việt Á được hưởng khi chuyển giao quyền sản xuất, kinh doanh chỉ là 5%. Tuy nhiên, chi phí sản xuất mỗi kit xét nghiệm chỉ hơn 143.000 đồng nhưng lại bán 470.000 đồng. Bởi thế, số tiền hưởng lợi bất chính của Việt Á là 1.235 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất.
Kết luận điều tra cho rằng bị can Việt cùng đồng phạm còn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm đấu thầu với 1,2 triệu kit xét nghiệm gây thiệt hại cho tài sản nhà nước 400 tỷ đồng.
Hiện Cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên, chặn giao dịch, sổ tiết kiệm…, tạm giữ tổng cộng khoảng 1.700 tỷ đồng trong vụ án này.
Nguồn: VOV, TTXVN, VTC News