Vụ vợ cắt 'của quý' chồng: Tòa, viện trái quan điểm về tội danh
Viện kiểm sát cho rằng bị cáo phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, tuy nhiên HĐXX lại có quan điểm khác.
Ngày 30-9, TAND huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử bị cáo Hà Thị Nguyệt (36 tuổi) về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Nguyệt bị cáo buộc cắt “của quý” của chồng, truy tố theo điểm b khoản 2 Điều 135 BLHS, khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm tù.
Con gái riêng bị chồng xâm hại
Theo cáo trạng, năm 2006 nguyệt kết hôn, một năm sau thì sinh được bé gái tên l. đến năm 2008, nguyệt và chồng ly dị, con gái ở với mẹ.
Năm 2018, Nguyệt kết hôn với Nguyễn Văn Hoan (29 tuổi), sinh thêm được hai người con. Quá trình chung sống, Hoan thường xuyên đánh đập vợ con.
Do nhiều lần bị mất tiền, ngày 19-3-2022, Nguyệt mua camera về lắp ở khu vực đầu giường của hai vợ chồng để theo dõi ai là thủ phạm.
Khoảng 14 giờ cùng ngày, Nguyệt lấy thẻ nhớ trong camera ra xem thì phát hiện Hoan có hành vi quan hệ tình dục với cháu L.
Nguyệt hỏi con gái thì được biết khoảng tháng 8-2020, Hoan tạo một tài khoản Facebook để tán tỉnh cháu L. Do không biết đây là cha dượng của mình, L gửi một số hình ảnh nhạy cảm của bản thân cho đối phương.
Có được các hình ảnh nhạy cảm, Hoan yêu cầu L cho mình quan hệ tình dục, nếu không sẽ công khai các hình ảnh này. Lo sợ, L đồng ý. Từ tháng 8-2020 đến ngày 19-3-2022, Hoan đã quan hệ với L rất nhiều lần.
Nên xem xét hoàn cảnh của bị cáo khi quyết định hình phạt
Nêu quan điểm về vụ án, một luật sư cho biết về việc định tội danh, ông đồng ý với những phân tích của TS Phan Anh Tuấn; cần phải khách quan, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, bị cáo Hà Thị Nguyệt có hoàn cảnh hết sức đáng thương, một mình nuôi ba con nhỏ, lại là lao động chính trong gia đình… Hành vi phạm tội của bị cáo cũng xuất phát từ chính hành vi “bệnh hoạn” của nạn nhân, xuất phát từ sự uất nghẹn, nỗi đau của người mẹ khi không bảo vệ được con mình.
Vì vậy, nếu trong phiên tòa tới, Nguyệt bị đưa ra xét xử về tội cố ý gây thương tích theo điểm d khoản 4 Điều 134 BLHS thì nên chăng HĐXX sẽ áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS khi quyết định hình phạt.
Cụ thể, xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tại điểm e, r, s Điều 51 BLHS (phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; tự thú; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) để quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (tức dưới bảy năm) nhưng không thấp hơn mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (năm năm).
Sau khi nghe kể toàn bộ sự việc, Nguyệt có ý định sẽ đưa con gái đến cơ quan công an trình báo. Tuy nhiên, Nguyệt sau đó chưa đi tố giác ngay mà về nhà tổ chức một bữa cơm và cùng Hoan đi ăn, dự định đến sáng hôm sau sẽ tới công an tố giác.
Tối 19-3, ăn uống xong, Nguyệt và Hoan về nhà nghỉ ngơi. Khoảng 23 giờ 45, thấy Hoan ngủ say và không mặc quần áo, Nguyệt nhớ lại chuyện con gái bị Hoan xâm hại trong suốt thời gian dài, bèn xuống bếp lấy một con dao, cắt đứt bộ phận sinh dục của chồng.
Tiếp đó, Nguyệt mang con dao cùng bộ phận sinh dục của Hoan đi vứt. Bị cáo đưa con gái cùng chiếc camera và thẻ nhớ bên trong đến Công an huyện Yên Châu để tự thú về hành vi của bản thân, đồng thời tố giác hành vi của Hoan.
Kết luận giám định cho thấy Hoan bị tổn hại sức khỏe 72%. Nguyệt bị truy tố như đã nêu.
Trước đó, ngày 28-9, liên quan đến hành vi xâm hại con gái riêng của bị cáo Hà Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Hoan bị TAND huyện Yên Châu tuyên phạt 10 năm tù về tội cưỡng dâm người dưới 16 tuổi.
Tòa, viện bất đồng quan điểm
Tại phiên tòa xét xử đối với Nguyệt, Nguyễn Văn Hoan nói sức khỏe bị suy giảm 72% nhưng thấy không ảnh hưởng gì nhiều, vẫn đi lại sinh hoạt, lao động được. Hoan khóc, xin tòa giảm nhẹ tội cho vợ vì còn ba con nhỏ, nếu vợ phải đi tù thì sẽ không ai nuôi con.
Về phía mình, Nguyệt cũng nhiều lần bật khóc, bày tỏ sự ăn năn hối hận vì đã không kiểm soát được cảm xúc dẫn đến hành động vi phạm pháp luật. Bị cáo nói thực hiện hành vi phạm tội trong khi trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, nếu cả hai vợ chồng cùng đi tù thì sẽ không có ai nuôi ba con nhỏ.
Nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS đánh giá hành vi của Hoan là trái pháp luật, là nguyên nhân dẫn tới sự uất ức, kích động phạm tội của Nguyệt. Nguyệt phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội đã gây ra nhưng đề nghị tòa cân nhắc tới hoàn cảnh đặc biệt của bị cáo. Trong đó, bị cáo là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc ba con nhỏ; là lao động chính trong gia đình…
Do vậy, đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo 24-30 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với vụ án. Tòa cho rằng không có căn cứ chứng minh bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo điểm b khoản 2 Điều 135 BLHS.
Thay vào đó, HĐXX cho rằng hành vi của bị cáo Nguyệt có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích theo điểm d khoản 4 Điều 134 BLHS, khung hình phạt 7-14 năm tù.
Trước đó, hồi cuối tháng 8, TAND huyện Yên Châu cũng từng trả hồ sơ với lý do tương tự. Tuy nhiên, VKSND huyện Yên Châu vẫn giữ quan điểm, tiếp tục truy tố bị cáo Nguyệt về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, như đã nêu.•
Như thế nào là “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”?
Trong vụ án này, để xác định hành vi của bị cáo có phải là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không thì cần thống nhất khái niệm “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Về vấn đề này, trước đây tại Nghị quyết 04 ngày 29-11-1986 của TAND Tối cao đã có hướng dẫn như sau: “Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, không tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỉ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh”.
Như vậy, dấu hiệu đặc trưng của trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, không tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình, phản ứng tức thời đối với hành vi trái pháp luật của nạn nhân.
Ở đây, đối với hành vi của Nguyệt khi gây thương tích cho chồng: (i) Không phản ứng ngay tức khắc khi biết tin con gái bị xâm hại. (ii) Từ lúc biết về hành vi trái pháp luật của Hoan với con gái đến lúc Nguyệt thực hiện hành vi phạm tội thì đã trải qua một thời gian dài và trong thời gian đó Nguyệt đã có một hành vi như: Dự định đến sáng hôm sau sẽ đến công an tố giác, tổ chức một bữa cơm và cùng Hoan đi ăn, đi về nhà và đến khuya mới thực hiện hành vi phạm tội.
Các tình tiết nêu trên cho thấy Nguyệt không hoàn toàn bị kích động mạnh khi thực hiện hành vi phạm tội.
Do đó, cáo trạng của VKS truy tố Nguyệt theo Điều 135 BLHS là chưa chính xác. Mà hành vi của Nguyệt có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS) - là tội có mức hình phạt nghiêm khắc hơn.
Tuy nhiên, trong trường hợp này có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS: “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra”.