Vụ vỡ nợ hơn 100 tỷ ở Đà Nẵng: Luật sư nói gì về hướng giải quyết?
Số tiền hơn 100 tỷ cho bà Hằng vay mượn là số tiền của nhiều người đi vay mượn từ người khác, có cả vay ngân hàng.
Chiều 11/9, Công an phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho biết, Công an phường Hòa Xuân đã nắm bắt được thông tin về vụ có hàng chục người "vây" chủ nhà số 6-8 đường Cẩm Nam 4 (tổ 46 phường Hòa Xuân) để đòi nợ.
Đại úy Hồ Đắc Dũng, Phó Trưởng công an phường Hòa Xuân cho hay: Sau khi nắm bắt vụ việc, đơn vị sẽ tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ sự việc và thông tin đến các cơ quan báo chí.
Trong chiều nay (11/9), có thêm nhiều người tiếp tục đến nhà của vợ chồng bà Phạm Thị Tuyết Hằng (SN 1987, trú tại số nhà 6-8 đường Cẩm Nam 4, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để đòi nợ. Tại nhà bà Hằng, nhiều người ngồi đợi để buộc bà Hằng phải ghi giấy cam kết trả nợ.
Trước tình thế bà Hằng cho biết không có khả năng trả nợ cho nhiều người, bà T.T.T cho biết đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan Công an TP Đà Nẵng để đòi lại số tiền cho bà Hằng vay trong thời gian qua.
Nhiều người cho bà Phạm Thị Tuyết Hằng vay mượn tiền đang lâm vào cảnh "dở khóc, dở cười" vì bà Hằng không có khả năng trả nợ như hứa hẹn.
Nghe tin bà Hằng vỡ nợ, bà N.A - một người cho bà Hằng vay số tiền gần chục tỷ đồng, thất thần: "Mấy hôm nay vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ vì lo mất tiền không lấy lại được. Tôi bỏ cả việc làm đi tìm bà Hằng để đòi lại tiền 2 ngày nay nhưng không được. Từ sáng 11/9, nghe tin nhiều người tập trung tại nhà bà Hằng đòi nợ, bắt ký giấy cam kết trả nợ, vợ chồng tôi liền chạy đến đây".
Trong lúc chờ đợi để đòi lại tiền, khoảng 15h, bà A. bất ngờ lên cơn co giật, ngất xỉu giữa nhà và được mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Cùng lâm vào hoàn cảnh không đòi được tiền từ bà Hằng, bà N.V.T giọng buồn buồn: "Nếu bà Hằng không trả lại tiền, gia đình tôi chắc lâm vào cảnh "tan gia, bại sản". Tiền tôi cho bà Hằng vay mượn, tôi cũng đi vay mượn từ người khác. Mấy chục tỷ chứ không ít".
Còn anh N.V.H lo lắng: "Hai ngày nay vợ chồng tôi không ăn, không ngủ vì lỡ cho bà Hằng vay mượn tiền mà chưa đòi được nợ. Tiền cho bà Hằng mượn, vợ chồng tôi cũng vay mượn từ ngân hàng".
Nhiều người cho biết, nếu bà Hằng không chịu trả lại tiền sẽ "sống chết" cùng bà Hằng đến khi nào lấy lại được tiền thì thôi.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về sự việc, Luật sư Trần Hậu - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết: "Theo quy định pháp luật hiện hành, không bắt buộc các giao dịch vay mượn tài sản phải tuân theo một hình thức nhất định. Do vậy đối với các thỏa thuận vay mượn tiền của bà Hằng với các cá nhân cho vay, trường hợp có các xác nhận của bà Hằng, giao dịch có người làm chứng hay các thông tin chuyển khoản, giao tiền giữa các bên cũng là chứng cứ xác thực giao dịch vay mượn trên thực tế. Từ đó, các nạn nhân có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền hoặc thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình".
Luật sư Trần Hậu cũng cho hay: "Để xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt liên quan đến các tội danh hình sự hay không thì cần phải tiến hành xác minh, điều tra để làm rõ nhiều nội dung như mục đích vay mượn tiền và thực tế sử dụng khoản tiền đã vay mượn của bà Hằng, dấu hiệu tẩu tán tài sản, trốn nợ, điều kiện chi trả khoản vay. Trên cơ sở các nội dung được làm rõ mới có căn cứ để xác định trách nhiệm pháp lý bà Hằng phải gánh chịu theo pháp luật là có hay không. Nếu có chứng cứ, cơ sở cho thấy rằng bà Hằng sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng niềm tin để đánh lừa người cho vay, thì có dấu hiệu của Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)".
Theo Luật sư Trần Hậu, trong trường hợp nếu có chứng chứ bà Hằng sử dụng tài sản vay mượn vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, hoặc dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, khi đó các dấu hiệu này có thể phạm vào Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Các giả thiết giả định này sẽ cần phải được các cơ quan điều tra, cơ quan Nhà nước hữu quan khác với nghiệp vụ và thẩm quyền của mình điều tra làm rõ trước khi chính thức kết luận.
Do vậy, đối với những nạn nhân đã cho bà Hằng vay nay không được trả nợ trước hết cần thu thập lại các giấy tờ, tài liệu chứng minh hoạt động vay để kịp thời trình báo với cơ quan công an có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết. Mọi hoạt động đòi nợ cần được thực hiện theo khuôn khổ pháp luật cho phép, tránh việc đi đòi nợ nhưng có nhiều trường hợp lại vướng vào vi phạm pháp luật không đáng có.