Vụ xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch: Sở Xây dựng Hà Nội nói gì?

Trong buổi làm việc giữa hai đơn vị xử lý ô nhiễm (chiều 22/7), đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: 'Điều tiết mực nước của Công ty Thoát nước vào sông Tô Lịch là đúng quy định'

Liên quan đến việc xả nước Hồ Tây (Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội thực hiện) vào sông Tô Lịch như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, nhiều ý kiến cho rằng, việc xả nước này đã làm ảnh hưởng đến quá trình làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản – Nano Bioreater, do Công ty CP môi trường Việt Nhật thực hiện.

Chiều ngày 22/7, hai đơn vị xử lý ô nhiễm cùng các sở, ban, ngành Hà Nội đã có buổi làm việc để làm rõ hơn về vấn đề này.

Mặc dù đơn vị Thoát nước Hà Nội thường xuyên thực hiện nạo vét lòng sông nhưng sau khi dừng bổ cập nước từ hồ Tây, sông Tô Lịch trở lại nguyên hiện trạng ô nhiễm. Ảnh: Bảo Loan

Mặc dù đơn vị Thoát nước Hà Nội thường xuyên thực hiện nạo vét lòng sông nhưng sau khi dừng bổ cập nước từ hồ Tây, sông Tô Lịch trở lại nguyên hiện trạng ô nhiễm. Ảnh: Bảo Loan

Trong buổi làm việc, mặc dù ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Nhật tái khẳng định, hoàn toàn không có sự cạnh tranh ở đây. Thậm chí, ngay từ thời gian đầu, hai đơn vị đã có sự phối hợp rất là tốt, đơn vị Việt Nhật đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ đơn vị Thoát nước Hà Nội.

Tuy nhiên, đơn vị Việt Nhật nhận được thông báo xả nước lúc 9h30 ngày 9/7, sau đó khoảng 10 – 15 phút thì nước bắt đầu xả vào sông Tô Lịch.

Ông Tuấn Anh cũng thừa nhận, do thời gian thực hiện dự án gấp gáp nên công ty chưa có sự chuẩn bị kỹ, cũng như thu thập đầy đủ thông tin liên quan đến điều kiện thủy văn, dòng chảy, mực nước và lưu tốc trong mùa mưa, khiến cho việc xả nước làm ảnh hưởng đến quá trình thử nghiệm.

Tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) khẳng định: "Như ở Hồ Tây, để đảm bảo việc thoát nước mùa mưa và tiêu thoát lũ, tôi khẳng định công tác điều tiết mực nước của Công ty Thoát nước Hà Nội là đúng quy định".

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Sở Xây dựng Hà Nội tại buổi họp chiều ngày 22/7.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Sở Xây dựng Hà Nội tại buổi họp chiều ngày 22/7.

Thông tin bên lề cuộc họp với báo chí, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho rằng: "Đơn vị Việt Nhật phải có giải pháp, phải tính toán được trường hợp mưa hoặc xả nước Hồ Tây với lưu tốc mà thực tế sẽ xảy ra, hoặc là đề xuất dời thời gian thí điểm vào mùa khô là hợp lý nhất.

Trước đó, sau thời gian thí điểm bằng công nghệ Nano – Bioreater, nước sông Tô Lịch tại khu vực 300 thí điểm đã cải thiện rõ rệt, mùi hôi giảm thiểu và nước trong hơn.

Tuy nhiên, sau việc xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch, khiến toàn bộ hệ sinh vật có lợi do các tấm Bioreater kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua đã bị cuốn trôi và không còn ở khu vực 300 m để đánh giá.

Do vậy, việc công bố chính thức kết quả thí điểm vẫn phải chờ đến khi có kết quả thí điểm lại trên sông Tô Lịch, mới có đầy đủ cơ sở để báo cáo Thủ tướng và UBND TP Hà Nội.

Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cam kết, đơn vị thí điểm sẽ có những giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục sự ảnh hưởng của việc xả nước đến kết quả thí điểm.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Nhật (JVE) khẳng định, vì ảnh hưởng của việc xả cửa Hồ Tây để khống chế lượng nước sông, hồ trên địa bàn, nên thời gian lấy mẫu tại sông Tô Lịch sẽ bị lùi khoảng 2 tháng.

Đối với kết quả đánh giá tại điểm Hồ Tây thì theo con số chất lượng nước của Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ TN&MT) lấy mẫu độc lập đối chứng thì ra kết quả rất tốt.

Thực tế hiện nay nước đã trong đến đáy, nồng độ oxy hòa tan trong nước cũng đảm bảo cả vấn đề thủy sinh.

"Mặc dù chất lượng nước đã đạt theo khung A1, A2 Quy chuẩn Việt Nam 08 nhưng để nội dung chúng tôi tập trung để có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội cùng các bộ, ngành và tổ chức họp báo thì phải có báo cáo tổng thể kết quả thí điểm trên cả 2 địa điểm.

Vì thế, kết quả công bố về thí điểm xử lý ô nhiễm ở Hồ Tây sẽ phải đợi cho đến khi có kết quả đánh giá lại việc xử lý ô nhiễm tại điểm sông Tô Lịch", ông Tuấn Anh thông tin.

Lý giải về những thông tin trên, ông Tuấn Anh cho rằng, mùa mưa tại Việt Nam là từ tháng 4 đến tháng 10, điều này chuyên gia Nhật bản đã khảo sát và tính toán kỹ. Bởi họ tính toán trên cơ sở theo dữ liệu 10 năm nay Hà Nội không xả nước một cách ào ạt với lưu lượng 1,5 triệu m3/ngày đêm, tức là gấp 10 lần lượng nước chảy từ 280 cống nước thải nhưng lại không chảy ra 280 cống này, mà chỉ chảy từ cửa xả thượng nguồn nên đã vượt quá tính toán của chuyên gia Nhật Bản.

"Nếu mưa to hay chăng nữa thì tốc độ dòng chảy ở đầu nguồn cũng không mạnh đến mức chúng ta xả trực tiếp như vừa qua. Việc nước dâng mùa mưa thì chuyên gia đã tính toán, nhưng lưu lượng nước chảy ra vào sông gấp nhiều lần, mà thông báo trước khi tiến hành xả chỉ khoảng 10- 15 phút thì chuyên gia Nhật Bản chưa tính đến và cũng không thể "3 đầu 6 tay" có thể can thiệp được gì.

Tuy nhiên, phía chuyên gia Nhật Bản cũng xác định, đây là câu chuyện khách quan thì sẽ tiến hành lại", ông Tuấn Anh cho hay.

Theo kết quả đánh giá JVE gửi Báo Gia đình & Xã hội, tính đến ngày 18/7, các chỉ số tại điểm thí điểm xử lý ô nhiễm tại khoảng 1.000m hồ Tây (đoạn trước số nhà 161 Nguyễn Đình Thi) đạt được như sau: Chỉ số nhu cầu oxy sinh hóa BOD5 giảm từ 23 mg/l xuống 16,2 mg/l (giảm 1,4 lần, đạt tiệm cận cột B1 quy định #15mg/l); nhu cầu oxy hóa học COD giảm từ 61 mg/l xuống còn 43 mg/l (giảm 1,42 lần, đạt cột B2 quy định #50mg/l); chất rắn lơ lửng trong nước TSS giảm từ 84 mg/l xuống còn 22 mg/l (giảm 3,8 lần, tiệm cận cột A1 quy định #20mg/l); hàm lượng oxy hòa tan DO đạt giá trị 8,36 mg/l (đạt cột A1 quy định #6mg/l).

Đặc biệt, kết quả phân tích của Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đánh giá một cách định lượng về nguyên lý làm ức chế, giảm lượng vi khuẩn, vi sinh vật có hại đồng thời kích hoạt làm tăng lượng vi sinh vật có lợi, thì vi khuẩn Coliform giảm từ 7300 MPN/100ml xuống còn 150 MPN/100ml (giảm 48 lần, đạt cột A1 quy định #2500 MPN/100ml), E.Coli giảm từ 290 MPN/100ml xuống còn 4 MPN/100ml (giảm 72 lần, đạt cột A1 quy định #20 MPN/100ml).

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-xa-nuoc-ho-tay-vao-song-to-lich-so-xay-dung-ha-noi-noi-gi-20190723091904737.htm