Vụ xả súng ở Atlanta không chỉ xuất phát từ 'nghiện sex' hoặc kỳ thị
Các nhà phân tích nói nguyên nhân vụ xả súng vào 3 spa ở Mỹ không đơn thuần là phân biệt chủng tộc hay giới tính, mà đan xen nhiều thành kiến với người gốc Á.
Thanh niên da trắng 21 tuổi gây ra vụ xả súng ở 3 spa tại thành phố Atlanta (bang Georgia) tuyên bố vụ tấn công không xuất phát từ phân biệt chủng tộc, mà cáo buộc những cơ sở này dung túng cho chứng "nghiện sex" của anh ta. Tám người thiệt mạng, bao gồm 6 nạn nhân gốc Á, sau vụ xả súng.
Theo Washington Post, phía cảnh sát cho rằng còn quá sớm để tuyên bố vụ án có động cơ thù hận hoặc kỳ thị chủng tộc.
Tuy nhiên, một cuộc tranh luận sôi nổi nổ ra trên toàn quốc xoay quanh loạt câu hỏi: Đây có phải là tội ác vì thành kiến chủng tộc, hay là hành động bạo lực ngẫu nhiên? Liệu đây có phải cuộc tấn công nhằm vào những phụ nữ hoạt động trong ngành nghề nhạy cảm?
Theo New York Times, cả hai yếu tố phân biệt giới tính và chủng tộc đan xen trong vụ việc này, bên cạnh đó là thành kiến sai lệch nhưng bám rễ sâu sắc về hình ảnh phụ nữ gốc Á tại Mỹ.
Vụ việc phức tạp, đan xen nhiều thành kiến
Nhận định về vụ xả súng hôm 16/3 với Washington Post, Rachel Kuo - đồng sáng lập Tổ chức Nữ quyền người Mỹ gốc Á - nói: "Ngay cả lời giải thích của nghi phạm về chứng 'nghiện sex' cũng hàm chứa sự phân biệt chủng tộc rồi. Sự 'cám dỗ' gắn với tư tưởng cho rằng phụ nữ châu Á ngoan ngoãn và dễ phục tùng, nhưng đồng thời cũng quyến rũ".
“Luật pháp và truyền thông chỉ muốn hướng đến một động cơ, là cái này hoặc cái kia. Trong khi đó, thực sự là rất nhiều thành kiến kết hợp lại. Đó là phân biệt chủng tộc, giới tính và giai cấp”, Kuo nói thêm.
Tiến sĩ Kimberly Kay Hoang (Đại học Chicago) trong bài viết trên Vox cho rằng đây là vụ xả súng hàng loạt, một hành động bạo lực phân biệt chủng tộc và giới tính, xuất phát từ tư tưởng lệch lạc, bài ngoại và nhận thức sai lầm về "hiểm họa da vàng" thời hiện đại.
"Chúng ta phải đối mặt với thực tế là bạo lực súng đạn, phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính đều liên quan tới vụ việc này", cô Kimberly Kay Hoang nhận định.
Sự thật không thể chối cãi là tại phương Tây, nhiều người vẫn lo ngại về người châu Á. Tư tưởng "hiểm họa da vàng" được khuếch đại dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và thổi bùng lên thành ngọn lửa trong bối cảnh Covid-19 hoành hành.
Trong vài năm qua, các tội ác xuất phát từ sự thù ghét đối với người gốc Á gia tăng đáng báo động ở Mỹ.
Tình trạng này bắt nguồn từ nỗi lo ngại của người Mỹ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như sự suy giảm ảnh hưởng của Washington trên trường quốc tế. Từ đó, người gốc Á ở Mỹ trở thành đối tượng bị trút giận.
“Cơ quan hành pháp và xã hội đa phần không hiểu được việc người Mỹ gốc Á, và phụ nữ Mỹ gốc Á, bị phân biệt chủng tộc, thù ghét và thành kiến như thế nào", Helen Zia, nhà hoạt động về tình trạng bạo lực chống người châu Á, nói với New York Times.
Phụ nữ Mỹ gốc Á lo sợ
Nếu đào sâu hơn vào gốc rễ vấn đề, một yếu tố cần được bóc tách riêng là sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ gốc Á, đặc biệt là những người hoạt động trong công nghiệp tình dục.
Theo báo cáo năm 2014 của Viện Nghiên cứu Đô thị Mỹ, khu vực Atlanta là nơi có hoạt động buôn bán tình dục ngầm quy mô lớn nhất. Phụ nữ gốc Á chiếm một phần lớn trong đó, bao gồm những người làm trong các quán bar, karaoke và tiệm massage.
Sung Yeon Choimorrow, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Quốc gia về Phụ nữ Mỹ gốc Á Thái Bình Dương, cho biết khi đến Mỹ lần đầu tiên để học đại học vào năm 2000, cô "choáng váng, chết lặng và kinh hoàng" vì thường xuyên bị những người đàn ông lạ mặt tiếp cận. Họ tuyên bố thẳng thừng rằng họ yêu phụ nữ Hàn Quốc.
"Họ nói kiểu như là 'tôi hứng tình quá, tôi yêu em từ lâu rồi' bằng giọng rất kỳ cục; hay là 'ồ, em là người Hàn Quốc hả? Tôi yêu Hàn Quốc'", cô nói với New York Times. Tại thời điểm đó, cô tự hỏi liệu có phải đàn ông Mỹ bị điên hay không.
"Tôi từng bị phân biệt chủng tộc, cũng từng bị phân biệt giới tính. Nhưng tôi chưa phải chịu đựng cả hai thứ đó đến mức như khi tôi ở Mỹ", cô nói thêm.
Sung Yeon Choimorrow cho rằng nhiều phụ nữ Mỹ gốc Á coi vụ xả súng hôm 16/3 là đỉnh điểm của hành vi sai lệch, phân biệt chủng tộc này.
"Hầu hết chúng tôi không thể ngủ ngon vào đêm sau vụ xả súng ở Atlanta. Bởi đây là điều chúng tôi lo sợ từ bao lâu nay. Chúng tôi sợ rằng việc cơ thể phụ nữ bị 'vật thể hóa' và 'tình dục hóa' có thể khiến ai đó thiệt mạng", cô chia sẻ.
Phân tích gần đây của Stop AAPI Hate - nhóm chuyên thu thập báo cáo về các hành vi phạm tội bắt nguồn từ thành kiến với người Mỹ gốc Á - cho biết trong số gần 3.800 vụ việc được ghi nhận trong các năm 2020 và 2021, hơn 2/3 nạn nhân là phụ nữ.
Nhà hoạt động Zia cho rằng những vụ phạm tội liên quan đến thành kiến với phụ nữ châu Á không được thống kê đầy đủ.
Ngoài ra, những người có thành kiến cho rằng phụ nữ châu Á thường phục tùng, khiến những kẻ tấn công hung hăng hơn. "Chúng tôi được coi là yếu thế và sẽ không dám chống trả", bà Zia nói.
Xóa bỏ thành kiến về phụ nữ gốc Á ở Mỹ
Trong bối cảnh cộng đồng người Mỹ gốc Á ngày càng đông và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ - như giặt khô, làm móng, massage và spa, Tiến sĩ Kimberly Kay Hoang cho rằng người Mỹ nói chung cần tách bạch các ngành này với mại dâm, theo Vox.
Bởi lẽ tư tưởng đánh đồng các dịch vụ này với mại dâm gây ra hậu quả trên thực tế: các tiệm massage ngày càng trở thành mục tiêu của lực lượng hành pháp và các tổ chức vận động chống buôn người.
Họ coi đây như những địa điểm mại dâm hoặc buôn bán tình dục núp bóng cơ sở kinh doanh hợp pháp. Điều này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp do người châu Á làm chủ, cho dù họ có tham gia hoạt động mại dâm hay không.
Trên thực tế, nhiều cuộc tranh luận nổ ra về hoàn cảnh của những phụ nữ nhập cư châu Á làm việc trong ngành công nghiệp tình dục ngầm.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng nên khép hoạt động này vào khung buôn người, trong khi những người ủng hộ quyền của người bán dâm mô tả đây là một nghề cần được tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo nhân quyền.
Không có tư cách pháp nhân, những người hoạt động trong công nghiệp tình dục ở Mỹ bị kẹt giữa hai "danh tính" khác nhau. Một bên là "nạn nhân" của các đường dây buôn người, còn một bên là "tội phạm" tham gia vào hoạt động mại dâm bất hợp pháp.
Điều này bêu xấu những phụ nữ đang cố gắng kiếm sống, khiến họ bị coi là những người dụ dỗ.
Ngành công nghiệp tình dục ở Mỹ hầu như không bảo vệ những người hành nghề về mặt pháp lý để họ có thể tiếp tục công việc một cách an toàn, hoặc để họ thoát khỏi hoàn cảnh khốn khó.
Cộng đồng giờ đây vẫn đang khóc thương những nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng hôm 16/3.
Tiến sĩ Kimberly Kay Hoang lưu ý dù nghi phạm tuyên bố mắc chứng nghiện tình dục, điều đó không có nghĩa là tất cả phụ nữ mà anh ta nhắm đến trong vụ xả súng đều bán dâm trong các tiệm massage trá hình, theo Vox.
Nhưng ngay cả khi họ hành nghề mại dâm đi chăng nữa, điều đó cũng không có nghĩa tính mạng của họ bị coi nhẹ hơn so với những người khác.
"Chúng ta phải nhớ rằng những phụ nữ này là con gái, mẹ, chị em gái và bạn bè của những người khác. Delaina Ashley Yaun, Xiaojie Tan, Daoyou Feng và những nữ nạn nhân còn lại đều xứng đáng được tưởng nhớ như những người quan trọng, những người mất đi mạng sống trong vụ bạo lực này", nữ giáo sư từ Đại học Chicago nhấn mạnh trong bài viết trên Vox.