Vụ xả súng tại giáo đường cổ nhất thế giới trên hòn đảo du lịch Tunisia
Người dân trên hòn đảo du lịch Djerba của Tunisia, nơi một tay súng đã khiến 5 người thiệt mạng trong một cuộc hành hương của người Do Thái tuần qua, đang đặt câu hỏi tại sao và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Michael Hanna may mắn thoát chết trong vụ nổ súng hôm 9-5. Là cư dân của đảo Djerba và là thành viên cộng đồng Do Thái Tunisia ở đó, anh không bao giờ bỏ lỡ cuộc hành hương hàng năm tại giáo đường Do Thái El Ghriba nổi tiếng trên đảo.
Hàng năm, hàng nghìn du khách hành hương đến hòn đảo nghỉ dưỡng ngoài khơi bờ biển phía Nam Tunisia. Lễ hội cũng như cộng đồng riêng của hòn đảo thường được coi như tấm gương điển hình về sự tồn tại hòa bình của các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Theo Hãng thông tấn Tunis Afrique Presse, ước tính khoảng 7.000 tham gia lễ hội trong tháng này. Tuy nhiên, vào ngày cuối cùng của lễ hội năm nay, một tay súng nổ súng gần giáo đường Do Thái lịch sử. Một bảo vệ của trung tâm hải quân trên đảo đã bắn đồng nghiệp, lấy đi vũ khí và đạn dược rồi lao về phía giáo đường xả súng vào khu vực bên ngoài giáo đường. Du khách bên trong giáo đường Do Thái may mắn không bị thương. Hiện chưa rõ động cơ của vụ nổ súng.
Giáo đường Do Thái El Ghriba đã 2.600 năm tuổi, là giáo đường lâu đời nhất châu Phi và cũng là một trong những giáo đường cổ nhất trên thế giới. Hôm đó, Michael Hanna vừa đến cổng giáo đường thì đạn bay tứ phía. Một viên đạn găm trúng chai bia trên tay anh. “Tôi đã nghĩ mình sắp chết. Tôi sống sót đã là một phép màu”. Những người khác thì không. Tay súng đã giết chết 2 nhân viên an ninh và 3 người khác ở độ tuổi 30 - 42 đang đứng trong bãi đậu xe. Tổng số người chết vì vụ việc là 6 người, bao gồm cả kẻ tấn công, ngoài ra khoảng 10 người bị thương. Hanna biết rằng mình đã vô cùng may mắn và bày tỏ lo ngại khi tình hình an ninh đang xuống cấp ở Tunisia nói chung.
Chính quyền Tunisia do Tổng thống Kais Saied đứng đầu đã giải tán quốc hội vào tháng 3 năm ngoái và gần đây đã bắt đầu bắt giữ các đối thủ chính trị. Tunisia cũng đang phải đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong khi, cuộc hành hương trên đảo Djerba được coi là phép thử hàng năm đối với lực lượng an ninh Tunisia. An ninh tại sự kiện được siết chặt kể từ sau một cuộc tấn công cực đoan vào hòn đảo vào năm 2002. Trong cuộc tấn công đó, nhóm khủng bố al-Qaeda sau đó đã nhận trách nhiệm, một quả bom xe tải đã phát nổ ở lối vào giáo đường, khiến 21 người thiệt mạng, trong đó có người nước ngoài.
Các cuộc hành hương và khách du lịch nói chung mang lại một nguồn doanh thu quan trọng cho tất cả người dân địa phương trên đảo Djerba, bất kể tôn giáo của họ. Các cuộc tấn công cực đoan trước đây, sau đó là đại dịch Covid-19 và gần đây là cuộc xung đột ở Ukraine đã tàn phá nhiều doanh nghiệp Tunisia phụ thuộc vào lĩnh vực này. Nhiều người đặt nhiều hy vọng vào thu nhập trong mùa hè này và sau vụ nổ súng hôm 9-5, các quan chức Tunisia đã vội vàng trấn an những du khách tiềm năng rằng hòn đảo vẫn đảm bảo an toàn.
Qais Alawi, cư dân địa phương cho biết, người dân trên đảo bị sốc và đang chờ xem sự cố sẽ ảnh hưởng đến mùa du lịch như thế nào. Bản thân Alawi đang làm việc trong ngành khách sạn và đã lên kế hoạch sớm bắt đầu công việc tại một khách sạn khác; anh hy vọng sẽ không mất việc. “Những hậu quả chính trị hoặc quốc tế của việc này không khiến người dân trên đảo lo lắng nhiều bằng việc chờ xem phản ứng của du khách và liệu có làn sóng hủy đặt phòng hay không”, Alawi nói.
Chủ nhà hàng người Pháp Marco Zagdovd, người thường giúp tổ chức đám rước trong cuộc hành hương Djerba và cũng giúp quyên góp cho giáo đường El Ghriba, bày tỏ quyết tâm tiếp tục công việc bất chấp sự việc diễn ra. “Tunisia là một đất nước hiếu khách và người dân ở đây rất lấy làm tiếc về điều này. Chúng tôi luôn hoan nghênh những người đến để ủng hộ chúng tôi”.
Theo Theo DW