Vụ xả thải phóng xạ Fukushima của Nhật Bản liệu có an toàn?

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm thứ Ba đã 'bật đèn xanh' cho Nhật Bản xả nước thải phóng xạ nhẹ từ nhà máy điện hạt nhân bị tê liệt Fukushima ra biển, đồng thời cho biết kế hoạch này an toàn và tương tự như việc thải tritium của các quốc gia khác.

Cả ủng hộ lẫn phản đối

Thông tin về quyết định “bật đèn xanh” cho việc xả nước thải phóng xạ nhẹ từ Fukushima ra Thái Bình Dương, IAEA cho biết kế hoạch của Nhật Bản phù hợp với các vụ xả thải tương tự được thực hiện bởi các quốc gia khác đang vận hành nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.

 Nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản đã gặp sự cố nghiêm trọng vào ngày 11/3/2011. Ảnh: CNBC

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản đã gặp sự cố nghiêm trọng vào ngày 11/3/2011. Ảnh: CNBC

Giám đốc IAEA, Rafael Grossi, đã đích thân gửi báo cáo cuối cùng ủng hộ kế hoạch này cho Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida và nói rằng việc xả thải “sẽ có tác động không đáng kể đến môi trường”. Ông cho biết các đại diện của IAEA sẽ có mặt tại chỗ ở Fukushima để giám sát việc xả thải trong nhiều thập kỷ tới.

Trung Quốc và các nhóm nghề cá của Hàn Quốc nằm trong số những người phản đối kế hoạch mà Nhật Bản cho biết họ muốn thực hiện vào mùa hè này. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba nói rằng báo cáo của IAEA là vội vàng và không đầy đủ, đồng thời cáo buộc “Nhật Bản đã chọn chuyển nguy cơ ô nhiễm hạt nhân sang toàn thể nhân loại”.

Một trận động đất và sóng thần đã làm mất điện tại nhà máy Fukushima Dai-ichi vào ngày 11/3/2011, gây ra sự cố nóng chảy tại ba lò phản ứng hạt nhân. Kể từ khi có điện trở lại vài ngày sau đó, Nhật Bản đã bơm nước vào để làm mát lõi lò phản ứng. Nguồn nước đó cũng như một số mạch nước ngầm tại khu vực này đã bị nhiễm phóng xạ. Nhật Bản đã lưu trữ nước trong hơn 1.000 bể chứa tại địa điểm này và sắp hết chỗ chứa.

Theo kế hoạch xả thải, đơn vị điều hành nhà máy là Công ty Điện lực Tokyo trước tiên dự định giảm nồng độ của gần như tất cả các chất phóng xạ trong nước thải xuống mức tiêu chuẩn an toàn, ngoại trừ tritium, một đồng vị của hydro. Theo công ty, để giảm nồng độ tritium xuống mức an toàn, nước sau đó sẽ được pha loãng với nước biển. Việc này nhằm mục đích giải phóng hơn 1,3 triệu tấn nước trong ba thập kỷ vào Thái Bình Dương.

Tại Nhật Bản, các nhóm nghề cá nhìn chung không thách thức các quan điểm khoa học do chính phủ đưa ra nhưng cho rằng khu vực Fukushima, vốn đã liên quan đến thảm họa hạt nhân trên toàn thế giới, không nên để xảy ra một cuộc tranh cãi khác có thể làm hoen ố danh tiếng của vùng đất này.

Một số quốc gia vẫn cấm nhập khẩu cá và các thực phẩm khác từ Fukushima, mặc dù Nhật Bản cho biết mức độ phóng xạ trong biển và đất từ lâu đã giảm xuống dưới mức nguy hiểm. Theo cơ quan quản lý đánh bắt cá tỉnh Fukushima, sản lượng đánh bắt ở Fukushima chỉ phục hồi được 20% so với mức trước thảm họa.

Kế hoạch của Nhật Bản đã gây tranh cãi đặc biệt ở nước láng giềng Hàn Quốc. Vào ngày 12/6, ngư dân từ khắp Hàn Quốc đã tập trung trước Quốc hội Hàn Quốc để bày tỏ sự phản đối trước việc xả nước thải Fukushima ra biển. Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang nỗ lực xua tan những lo ngại và cho biết họ sẽ giám sát 92 địa điểm để phát hiện bất kỳ chất phóng xạ nào.

Những tiền lệ an toàn

Chính phủ Nhật Bản và Công ty Điện lực Tokyo cho biết nồng độ tritium trong nước thải sẽ giảm xuống 1.500 becquerel/lít, (becquerel là đơn vị dùng để chỉ lượng bức xạ ion hóa được giải phóng từ một nguyên tố phóng xạ). Các quan chức cho biết giới hạn hàng năm sẽ là 22 nghìn tỷ becquerel.

Con số đó nhỏ hơn so với lượng mà nhiều cơ sở hạt nhân khác trên thế giới thường thải ra nước hoặc không khí. Tổng giám đốc Grossi của IAEA cho biết việc giải phóng các hạt nhân phóng xạ vào nước “đã được ghi nhận”. Ông cho biết Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Pháp nằm trong số các quốc gia làm việc đó.

Một ví dụ khác là Orano, một cơ sở tái chế nhiên liệu hạt nhân ở tây bắc nước Pháp, đã thải 10.000 nghìn tỷ becquerel tritium vào eo biển Manche vào năm 2021. Người phát ngôn của Orano, Gwénael Thomas, cho biết trong một email rằng tritium thải ra từ cơ sở của họ “không ảnh hưởng đến sức khỏe”, bởi vì bức xạ là một phần rất nhỏ của phóng xạ tự nhiên ở Pháp và tritium là một nguyên tố phóng xạ tự nhiên.

Người phát ngôn của Korea Hydro & Nuclear Power, nhà điều hành hàng đầu các nhà máy hạt nhân ở Hàn Quốc, cho biết nước này thải vào nước năm ngoái tổng cộng khoảng 214 nghìn tỷ becquerel tritium. Ông nói rằng mức đó là an toàn cho công chúng.

 Tổng giám đốc IAEA, Rafael Grossi, cho rằng kế hoạch xả thải của Nhật Bản trong ngưỡng an toàn và giống như nhiều quốc gia khác vẫn làm. Ảnh: Reuters

Tổng giám đốc IAEA, Rafael Grossi, cho rằng kế hoạch xả thải của Nhật Bản trong ngưỡng an toàn và giống như nhiều quốc gia khác vẫn làm. Ảnh: Reuters

Chính phủ của các quốc đảo Thái Bình Dương cách xa Fukushima hàng nghìn km đã đặt câu hỏi về động thái của Nhật Bản. Vào cuối tháng 6, Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, một nhóm gồm 18 quốc gia ở Châu Đại Dương bao gồm Úc, New Zealand và Quần đảo Cook, đã kêu gọi xem xét các giải pháp thay thế cho việc đổ rác ra biển và nói rằng Nhật Bản nên đợi cho đến khi mọi người đồng ý mới xả nước ở Fukushima ra Thái Bình Dương.

Một số nhà phê bình cho rằng nước thải có thể được giữ trong các bể chứa cho đến khi chất phóng xạ bị phân hủy hoặc chôn dưới lòng đất trong bê tông. Jim Smith, một chuyên gia về ô nhiễm phóng xạ tại Đại học Portsmouth ở Anh, cho biết xả nước có thể là lựa chọn tốt nhất để xử lý lượng tritium còn sót lại.

Ông Jim Smith phân tích trong một email gửi tới báo Wall Street Journal rằng việc lưu trữ trong các bể chứa “luôn tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ, đặc biệt là trong trường hợp có bão hoặc động đất”, trong khi “sự bay hơi có thể dẫn đến tỷ lệ liều lượng cao hơn nhiều đối với mọi người”. Smith cho biết việc xả nước thải ở Fukushima ra biển “chỉ đáng sợ về mặt tâm lý”, chứ không phải về mặt khoa học.

Sự cố hạt nhân Fukushima đã xảy ra như thế nào?

Vào ngày 11/3/2011, một sự cố hạt nhân đã xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima thuộc vùng duyên hải phía Đông Nhật Bản và cách Thủ đô Tokyo khoảng 220 km về phía Đông Bắc. Nguyên nhân trực tiếp của thảm họa là trận động đất Tohoku với tâm chấn cách nhà máy điện khoảng 100 km gây ra một cơn sóng thần mạnh. Những con sóng cao từ 13 đến 14 mét tràn vào bờ biển Okuma và nhà máy điện, làm mất điện và hỏng máy phát điện diesel khẩn cấp.

Việc này khiến hệ thống làm mát đã lò phản ứng bị hỏng, khiến nhiên liệu hạt nhân tại 3 trong số các lò phản ứng quá nóng và làm tan chảy một phần các lõi. Hệ quả tiếp theo là 2 vụ nổ rung chuyển nhà máy điện vào các ngày 14 và 15/3 năm đó, khiến lửa bùng phát tại một lò phản ứng và làm chất phóng xạ rò rỉ vào khí quyển cũng như ra biển.

Nhà chức trách Nhật Bản đã nỗ lực phản ứng để kịp thời ngăn chặn thảm họa lan rộng, sơ tán gần nửa triệu người trong vòng bán kính 20 km quanh nhà máy. Sau khi thành công trong việc chặn đứng thảm họa, Chính phủ Nhật Bản đã công bố lộ trình khắc phục sự cố hạt nhân Fukushima, với mục tiêu tháo dỡ hoàn toàn 4 lò phản ứng trong vòng 30-40 năm.

IAEA phân loại thảm họa Fukushima là thảm họa cấp độ 7, tức mức cao nhất và là thảm họa nghiêm trọng đứng thứ nhì sau sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine hồi năm 1986.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vu-xa-thai-phong-xa-fukushima-cua-nhat-ban-lieu-co-an-toan-post255073.html