Vụ xe bán tải tông chết người rồi bỏ trốn ở Hà Nam: Một số tình tiết chưa được tòa sơ thẩm làm rõ

Tại phiên tòa sơ thẩm, một số tình tiết liên quan 3 cá nhân ngồi trên xe ô tô cùng với bị cáo vào tối gây ra vụ tai nạn chết người đã không được HĐXX xét hỏi, tranh luận để làm rõ.

Chiếc xe bán tải gây tai nạn do bị cáo Sơn điều khiển.

Chiếc xe bán tải gây tai nạn do bị cáo Sơn điều khiển.

Không chứng minh được nồng độ cồn của bị cáo

Theo nội dung vụ án, khoảng 21h30 ngày 23/2/2022, ông Lê Hồng Sơn (SN 1979, thường trú xã Yên Nam, TX Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) lái xe bán tải BKS 90C-115.21 lưu thông trên QL38 (đoạn qua Km 80+ 900) di chuyển theo hướng Đồng Văn đi Hòa Mạc. Khi đến địa bàn thuộc phường Yên Bắc, do thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ, chiếc xe đã tông thẳng vào anh Trần Quang Năm (SN 1996, ngụ Duy Tiên) đang đi bộ băng qua đường, làm anh Năm văng lên nắp ca-pô.

Sau khi gây tai nạn, thay vì dừng xe đưa nạn nhân đi cấp cứu, bị cáo Sơn lại lái chiếc xe bỏ trốn khỏi hiện trường về nhà. Nạn nhân được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Giám định pháp y cho thấy, nạn nhân tử vong do bị gãy đốt sống cổ.

Tại phiên tòa, theo đánh giá của HĐXX, bị cáo Sơn có nhân thân tốt, chưa tiền án tiền sự; trong quá trình điều tra và tại phiên xử thể hiện thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo cũng tác động gia đình bồi thường thiệt hại với gia đình nạn nhân, nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.

Liên quan đến chi tiết bị cáo điều khiển phương tiện trong tình trạng sử dụng rượu, bia sau cuộc liên hoan, HĐXX cho rằng: Theo tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định trước khi tham gia giao thông gây tại nạn khiến nạn nhân tử vong, vào tối 23/2, bị cáo Sơn đã sử dụng rượu cùng nhóm bạn ở Đồng Văn. Vào lúc 11h ngày 24/2, CQĐT tiến hành đo nồng độ cồn và kết quả là 0,858 miligam/lít khí thở.

Tuy nhiên, do bị cáo khai sáng 24/2 (sau đêm gây tai nạn) có sử dụng rượu với một số người bạn. CQĐT sau đó kết luận không có đủ cơ sở khoa học để truy cứu trách nhiệm hình sự bị cáo Sơn điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 260 BLHS 2015.

HĐXX tuyên bị cáo Sơn phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, xử phạt 4 năm tù; cấm hành nghề lái xe ô tô trong vòng 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Trụ sở TAND thị xã Duy Tiên.

Trụ sở TAND thị xã Duy Tiên.

3 người ngồi cùng xe là ai?

Như trước đó PLVN đã phản ánh, thông tin từ người dân cho rằng thời điểm bị cáo Sơn lái xe gây tai nạn, còn có 3 người khác đều công tác tại UBND xã Yên Nam cùng ngồi trên xe.

Về chi tiết này, tại bản án sơ thẩm HĐXX đọc tại phiên tòa, xác nhận 3 cá nhân gồm: Ông Vũ Mạnh Hùng, Vũ Mạnh Cường và Vũ Mạnh Hải (đều ngụ xã Yên Nam) là những người ngồi trên xe ô tô cùng bị cáo Sơn vào đêm 23/2 gây ra vụ tai nạn. Tuy nhiên, HĐXX nhận định 3 người trên đều trong tình trạng ngủ say không nhìn thấy; do vậy hành vi của 3 người không cấu thành “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132 BLHS. Trong quá trình điều tra, CQĐT Duy Tiên đã không khởi tố điều tra hành vi 3 người này.

Theo ghi nhận của PV, tại phiên sơ thẩm, 3 cá nhân này được tòa triệu tập với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng cả 3 người đều vắng mặt. Tuy nhiên, trong phần xét hỏi, tranh luận và bản luận tội của VKS cũng không thấy đề cập đến vai trò, trách nhiệm 3 cá nhân này khi tham gia giao thông cùng với bị cáo Sơn đã gây ra vụ tai nạn thảm thương.

Tại phiên xử, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa có đặt ra vài câu hỏi đối với bị cáo Sơn về chi tiết này như: Lúc gây ra vụ tai nạn trên xe ngoài bị cáo còn có những ai ngồi cùng? 3 người này có tham gia điều khiển phương tiện cùng với bị cáo không? Lúc gây ra tai nạn 3 cá nhân ngồi cùng xe trong tình trạng thế nào? Phần trả lời của bị cáo tương đối thiếu thông tin nhưng chủ tọa đã không truy vấn để làm rõ.

Ví dụ, khi bị cáo Sơn khai do uống rượu nên lúc lên xe 3 người đều ngủ; khi tai nạn xảy ra, nạn nhân văng lên nắp ca-pô, xe khựng lại một lúc nhưng cả 3 người vẫn ngủ không hay biết gì. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện đoạn đường xuất phát từ nơi bị cáo và 3 cá nhân này nhậu chỉ cách điểm xảy ra tai nạn khoảng chưa đầy 20 phút lái xe; vụ va chạm mạnh nhưng cả 3 người không hay biết gì, có thuyết phục hay không?

Trong quá trình xét hỏi, tranh luận, không thấy HĐXX công bố lời khai của 3 cá nhân; không công bố thông tin trích xuất camera hành trình (nếu có); HĐXX cũng không làm rõ sau khi bỏ trốn khỏi hiện trường thì bị cáo đã đưa các cá nhân này về nhà và khi về có bàn bạc, nói chuyện gì về vụ tai nạn hay không.

Cần phải nhắc lại, trao đổi với báo chí tại thời điểm vụ việc đang được CQĐT thụ lý, ông Vũ Mạnh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nam (một trong 3 người ngồi trên xe) có nói khi xảy ra va chạm thì “tưởng đó là đâm vào xe ô tô đi ngược chiều, sau đó tài xế có dừng lại nhưng do không nhìn thấy ai nên tăng ga bỏ đi”.

Gia Khánh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vu-xe-ban-tai-tong-chet-nguoi-roi-bo-tron-o-ha-nam-mot-so-tinh-tiet-chua-duoc-toa-so-tham-lam-ro-post452310.html