Vụ 'xẻ thịt' hồ chứa nước Sông Mây (Bài 2): Xử lý các công trình lấn chiếm thế nào?
'Buộc tháo dỡ hàng ngàn mét vuông nhà xưởng trái phép, xử phạt vi phạm hành chính về chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định. Kiểm tra toàn bộ quá trình khai thác, xây dựng trái phép, sử dụng đất trái quy định tại khu vực hồ Sông Mây'.
Đó là khẳng định của ông Lê Ngọc Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai khi trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam liên quan tình trạng “xẻ thịt” hồ chứa nước Sông Mây.
Buộc tháo dỡ gần 10.000 m2 nhà xưởng
Trước tình trạng hồ Sông Mây bị lấn chiếm để xây dựng nhà xưởng trái phép, đấu nối hệ thống xả thải ra hồ, phân lô bán nền, bao chiếm đào ao nuôi cá…, ông Lê Ngọc Tiên cho biết đã chỉ đạo các bộ phận liên quan tăng cường quản lý và xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý.
Theo báo cáo của UBND huyện Trảng Bom, từ tháng 6 đến tháng 8/2023, UBND huyện đã giao Phòng Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp Công an huyện, Đội Quản lý thị trường số 3, tiến hành kiểm tra cơ sở tái chế nhớt thải do ông Phạm Ngọc Hoa (đường Sông Mây 4, ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn). Cơ sở này thuê thửa đất số 47, tờ bản đồ số 22, xã Bắc Sơn, của ông L. V. M. (xã Bắc Sơn) để tái chế nhớt thải. Tuy thuê 2.000 m2 đất, nhưng không có hợp đồng thuê đất. UBND huyện đã ra quyết định buộc tháo dỡ máy móc thiết bị, trả lại hiện trạng ban đầu và hiện khu đất đã được trồng tràm.
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra cơ sở tái chế dầu nhớt rộng 2.000 m2 của ông Nguyễn Văn Nghĩa, thửa đất số 38, tờ bản đồ 22 thuộc xã Bắc Sơn. Ông Nghĩa cho biết cơ sở này sang nhượng của một người khác từ tháng 3/2023 nhưng không có hợp đồng sang nhượng. Đồng thời thuê thêm 3.000 m2 của ông L.V.M. để làm cơ sở tái chế hạt nhựa, chứa nguyên vật liệu.
Sau sự việc này, UBND huyện Trảng Bom đã ra quyết định xử phạt ông L.V.M. 15 triệu đồng về hành vi vi phạm trên lĩnh vực đất đai, buộc tháo dỡ nhà xưởng, khôi phục lại hiện trạng đất.
Đoàn kiểm tra cũng kiểm tra cơ sở của ông Phạm T.H. tại thửa đất số 61, tờ bản đồ số 12, rộng khoảng 1.200 m2. Ông H. cho biết, thuê lại đất của ông Tr.V. Đ., tại ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn từ năm 2018 để tái chế nhớt thải nhưng không có hợp đồng thuê đất. UBND huyện lập biên bản, buộc tháo dỡ máy móc thiết bị, tháo dỡ nhà xưởng và trả lại hiện trạng đất.
Kiểm tra trách nhiệm các địa phương
Theo tài liệu của Báo Pháp luật Việt Nam, trước tình trạng hồ Sông Mây ngày càng “teo” lại, do bị bao chiếm, “xẻ thịt”, san lấp, xây dựng trái phép ồ ạt, liên tục nhiều năm liền, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai đã có báo cáo UBND tỉnh, đề nghị UBND huyện Trảng Bom có biện pháp mạnh để chấn chỉnh.
Trong văn bản gửi công an tỉnh và các cơ quan chức năng, Sở NN&PTNT khẳng định, hiện trạng đổ đất trong phạm vi bảo vệ công trình hồ Sông Mây có những vị trí giáp ranh 2 xã Bắc Sơn và Bình Minh vi phạm lặp đi lặp lại. Nhiều vụ việc chuyển cho địa phương xử lý nhưng tình trạng vi phạm tiếp tục diễn ra.
Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện Trảng Bom kiểm tra xác định cụ thể mức độ, phạm vi vi phạm, giao trách nhiệm cụ thể đối với từng phòng ban, đơn vị trực thuộc và UBND cấp xã xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện chỉ đạo các đơn vị cấp huyện phối hợp Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi rà soát, xác định ranh mốc công trình hồ Sông Mây, thể hiện lên bản đồ địa chính và chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình xử lý vi phạm.
Ông Lê Ngọc Tiên cho biết, về tình trạng vi phạm ở hồ Sông Mây, UBND huyện sẽ tiếp tục kiểm tra chặt chẽ các trường hợp Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh. Huyện sẽ làm rõ trách nhiệm UBND cấp xã, rà soát lại từng khu vực, từng trường hợp. Đối với tình trạng rao bán đất, tình trạng phân lô, lấn chiếm lòng hồ Sông Mây, UBND huyện sẽ kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin các trường hợp vi phạm cụ thể của ông N.T.Th., từ năm 2009 đến 2017 liên tục vi phạm. Trong đó, ngày 18/3/2009, ông Th đã cho đào ao nằm trong vùng phụ cận giữa cao trình đập và cao trình nước dâng bình thường. Đến ngày 13/5/2013, ông Th. tiếp tục đổ đất vào khu vực lòng hồ với diện tích khoảng 600 m2. UBND huyện Trảng Bom đã có văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm. Nhưng đến ngày 5/3/2014 ông này tiếp tục cho dùng máy cơ giới đào ao, đặt ống thoát nước khu vực lòng hồ. Ngày 15/4/2016 ông Th. tiếp tục gia cố, đào bờ ao, đặt ống thoát nước, làm đường giao thông qua bên khu vực lấn chiếm trước đó. Lúc này UBND xã Bình Minh đã lập biên bản. Tuy nhiên, ngày 11/1/2017, ông Th. tiếp tục đổ đất, đắp đường lấn chiếm hồ Sông Mây gần 200 m2…
Trước trường hợp ông N.T.Th. và hàng loạt trường hợp khác mà Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, ông Tiên khẳng định sẽ đề nghị các phòng, ban, UBND các xã kiểm tra làm rõ và thông tin đến báo chí thời gian gần nhất.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin việc xử lý hiện trạng nêu trên.