Vụ xe trá hình diễu phố tại Thanh Hóa: Bao che cho vi phạm?
Sau khi Tiền Phong có các bài phản ánh về tình trạng xe khách trá hình diễu phố tại Thanh Hóa, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu Sở GTVT và UBND huyện Triệu Sơn - địa bàn có liên quan kiểm tra, báo cáo. Tuy nhiên, thực trạng trên đã không được các cơ quan này đánh giá chính xác, thậm chí nhiều nội dung còn bị báo cáo không đúng sự thật.
Tỉnh và huyện đều lập đoàn kiểm tra
Cụ thể, sau khi báo đăng các bài có nhan đề “Xe khách trá hình lập bến lậu, diễu phố tại Thanh Hóa”, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành tới 2 văn bản (ngày 8/12 và 15/12/2022) yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ, xử lý dứt điểm.
Ngày 20/12, Sở GTVT Thanh Hóa có văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. Sở đã giao Thanh tra phối hợp với Công an lập đoàn kiểm tra trên đường; phối hợp với UBND huyện Triệu Sơn kiểm tra tại trụ sở cơ quan…
Với kết quả kiểm tra hoạt động vận tải của Công ty TNHH DV du lịch Hải Vân Travel (Cty Hải Vân Travel) tại văn phòng số 136 Tô Vĩnh Diện, thị trấn Triệu Sơn, Sở GTVT báo cáo: Chưa phát hiện về hoạt động bãi xe, bến cóc. Cty Hải Vân Travel báo cáo chỉ hoạt động về tổ chức tour theo hợp đồng du lịch như đăng ký kinh doanh.
Sở GTVT Thanh Hóa cũng cho biết: Cty có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; tuy nhiên hiện tại, Sở GTVT Thanh Hóa chưa cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho Cty Hải Vân Travel; chưa chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách cố định từ Thanh Hóa đi/đến Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.
UBND huyện Triệu Sơn cho hay, huyện đã kiểm tra, rà soát và cơ bản thống nhất với các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện.
Xử lý nương tay xe vi phạm?
Trong báo cáo Sở GTVT Thanh Hóa cũng cho biết, ngoài kiểm tra tại trụ sở Cty Hải Vân Travel tại Triệu Sơn, tổ công tác được giao nhiệm vụ đã trích xuất dữ liệu hình ảnh camera trên hệ thống giám sát hành trình, phát hiện các xe ô tô được báo nêu gồm: 29B-20492, 29B-20394, 29B-20036 của Cty TNHH DV và vận tải Vân Anh (đơn vị cung cấp xe cho nhà xe Hải Vân Travel) có thời gian và vị trí hoạt động trên Quốc lộ 47 khu vực Triệu Sơn vào các ngày 11, 12, 13/12/2022.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Năm, một người dân sống tại phố Tô Vĩnh Diện, thị trấn Triệu Sơn đưa ra dẫn chứng, xe khách hoạt động theo tuyến cố định ra vào văn phòng Cty Hải Vân Travel tại Triệu Sơn đón, trả khách ngày đêm, gây lộn xộn, mất trật tự người dân ai cũng biết, chỉ cơ quan chức năng là nói không thấy, không biết (?!).
Hơn nữa, theo anh Năm, từ biển quảng cáo đến số điện thoại tổng đài 02373.939xxx, quầy trực bán vé tại văn phòng Hải Vân Travel thị trấn Triệu Sơn, nhân viên luôn thông báo, xác nhận đặt vé, thu tiền của khách theo tuyến cố định diễn ra công khai. “Do vậy việc cơ quan chức năng lập nhiều đoàn kiểm tra đến. Sau đó nói không phát hiện việc đón trả khách tại văn phòng, xe nhà xe Hải Vân Travel không hoạt động theo hình thức chở khách liên tỉnh là nói dối, bao che. Để kiểm tra việc này không khó, chỉ cần gọi điện đến số tổng đài của của nhà xe Hải Vân Travel để hỏi về việc đi xe, đặt vé là rõ hết”, anh Năm phản ánh thực tế.
Qua báo cáo của Sở GTVT Thanh Hóa và UBND Triệu Sơn nêu trên, PV Tiền Phong cho rằng có dấu hiệu cơ quan chức năng chưa nhìn nhận đúng bản chất sự việc; kiểm tra, xử lý chưa nghiêm túc. Chúng tôi xin được dẫn chứng: Thứ nhất, trong khi cả Sở GTVT Thanh Hóa, UBND Triệu Sơn khẳng định, Cty Hải Vân Travel không hoạt động bến cóc, đón trả khách, thu tiền tại văn phòng ở thị trấn Triệu Sơn thì ngoài các bài đã nêu trước đó, trong trưa 26/12, trong vai hành khách có nhu cầu bắt xe tuyến cố định từ Triệu Sơn đi Hà Nội, qua tổng đài 02373.939xxx của nhà xe Hải Vân Travel phóng viên viết bài vẫn dễ dàng đặt được chỗ, sau đó đến văn phòng lên xe, trả tiền nhận vé di chuyển ra Hà Nội theo hình thức xe cố định.
Thứ hai, khi giải thích với Tỉnh ủy về tấm vé nhà xe Hải Vân Travel thu tiền phát cho khách được báo chí nêu, Sở GTVT Thanh Hóa giải thích rằng, đây là tiền đặt cọc thuê xe giữa Cty với khách hàng, sau đó dẫn chứng ra một hành khách có tên Nguyễn Văn Cường ngày 22/11 đã đi xe và cũng đã lấy phiếu đặt cọc tạm ứng để được xe chở từ Triệu Sơn đến Lăng Bác Hồ (Hà Nội). Tuy nhiên thực tế, chính tấm vé và hành khách được Sở GTVT dẫn chứng ra lại là tờ vé phóng viên viết bài đã trả 280.000 đồng cho nhà xe Hải Vân Travel để bắt xe đi Hà Nội theo hình thức tuyến cố định ngày 22/11, hoàn toàn không có chuyện lấy phiếu đặt cọc tạm ứng như Sở GTVT Thanh Hóa báo cáo.
Thứ ba, khi báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa về danh sách các xe chở khách trá hình được báo Tiền Phong nêu ngày 25/11, Sở GTVT Thanh Hóa cho rằng: trong số này có 6 xe của Cty Vận tải Vân Anh gồm: 36B-03128, 36B-03113, 29B-20492, 29B-20036, 29B-20394, 36F-00053 đã được Sở GTVT xác minh, kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm, tại thời điểm kiểm tra các xe này đều có hợp đồng vận chuyển khách với Cty Hải Vân Travel…
Về nội dung này, chúng tôi xin đưa ra bằng chứng đã xác minh rằng, trong số 6 xe trên thì thực tế đã có đến 4 xe, gồm 29B-20492, 29B-20036, 29B-20394, 36F-00053 là xe đã được chính Sở GTVT Thanh Hóa cấp phép cho hoạt động tuyến cố định thành phố Thanh Hóa - Hà Nội. Cho ý kiến về 4 xe này, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội xác nhận, các xe này đã được Sở GTVT Thanh Hóa cấp phép hoạt động vận tải khách tuyến cố định, nhiều năm nay các xe này được Sở GTVT Hà Nội chấp thuận tuyến hoạt động theo hành trình tuyến cố định: Bến xe Nước Ngầm bến xe phía Bắc Thanh Hóa.