Vụ xin xác nhận bệnh cho đúng với nghị quyết: Hiểu sao về danh mục bệnh hiểm nghèo?
Cục Quản lý khám, chữa bệnh đang dự thảo thông tư danh mục bệnh hiểm nghèo để các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân.
Tin từ Bộ Y tế cho biết cơ quan này, qua báo chí đã nắm được thông tin về một số vướng mắc ở Quảng Nam trong việc hỗ trợ bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, đây là vấn đề của riêng địa phương.
Theo đó, khi HĐND Quảng Nam ban hành Nghị quyết 43 năm 2021 và Nghị quyết 29 năm 2024 có nội dung trợ giúp xã hội với đối tượng được xác định mắc bệnh hiểm nghèo đã dựa vào Phụ lục IV quy định 42 bệnh hiểm nghèo tại Nghị định 134/2016.
Trong khi đó, Nghị định 134/2016 quy định chi tiết một số điều cùng biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Nghị định này không phải do Bộ Y tế soạn thảo mà do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành năm 2016.
Phụ lục IV quy định 42 bệnh hiểm nghèo trong Nghị định 134/2016 được đưa ra để làm căn cứ miễn thuế cho một số quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cá nhân Việt Nam là thuốc, thiết bị y tế cho người bị bệnh.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết từ nhiều năm nay, ngành y tế cả nước thống nhất sử dụng danh mục bệnh được xác định theo hệ thống quản lý mã hóa lâm sàng khám chữa bệnh.
Hệ thống này được xây dựng trên nền tảng phân loại bệnh tật quốc tế ICD do Tổ chức Y tế Thế giới thiết kế, hiện áp dụng thống nhất trên 100 quốc gia.
Phiên bản hiện nay là ICD-10, được cập nhật tại địa chỉ https://icd.kcb.vn/icd-10/icd10, do Cục Quản lý khám, chữa bệnh vận hành, có giá trị pháp lý theo các thông tư mà Bộ Y tế đã ban hành.
Trên cơ sở danh mục này, các đơn vị, tổ chức liên quan có thể sử dụng để phục vụ cho việc xây dựng văn bản của mình. Chẳng hạn, Bộ Y tế trên cơ sở đó đã ban hành Thông tư 46/2016 về danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, Thông tư số 30/2023 về danh mục bệnh, tình trạng bệnh được khám chữa bệnh từ xa…
Cùng với đó, qua rà soát hệ thống pháp luật thì hiện chưa có một định nghĩa chung về “bệnh hiểm nghèo”.
Gần đây nhất, Nghị định 93/2021 có đưa ra khuôn khổ pháp lý cho “vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.
Trên cơ sở đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đang dự thảo một thông tư về danh mục bệnh hiểm nghèo để các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân.
Theo đó, bản dự thảo liệt kê danh mục bệnh hiểm nghèo lên tới 130 bệnh, cùng với đó là mã ICD.
Tuy vậy, trong quá trình soạn thảo, nhiều ý kiến cho rằng danh mục bệnh hiểm nghèo chỉ nên là một cơ sở tham khảo. Bởi với hộ gia đình vốn đã nghèo khó thì chỉ cần mắc bệnh bình thường, phải đi bệnh viện điều trị đã là vất vả và rất cần được hỗ trợ xã hội. Còn với các gia đình khá giả, dù người nhà mắc bệnh hiểm nghèo, thì cũng không nên là đối tượng của chính sách xã hội.
Trở lại với câu chuyện của Quảng Nam, tin từ Bộ Y tế cho rằng địa phương có thể tự giải quyết các vướng mắc của mình.
Trong trường hợp cần thiết, Sở Y tế Quảng Nam có thể tham khảo website của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, đối chiếu với tên gọi đã được chuẩn hóa với danh sách các bệnh hiểm nghèo mà Nghị quyết của địa phương đã dẫn từ Nghị định 134/2016.
“Chính sách xã hội của địa phương, sử dụng nguồn ngân sách của địa phương và trong thẩm quyền của địa phương, vậy vướng đâu thì hoàn toàn có thể tháo gỡ ở đó, không quá khó”, một lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh chia sẻ.
Tháng 10-2024, HĐND Quảng Nam ban hành Nghị quyết 29 quy định một số mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác được hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, danh mục 42 bệnh hiểm nghèo của Nghị quyết 29 dựa trên cơ sở Nghị định 134/2016 (phụ lục IV). Đây là danh mục được đưa ra để làm căn cứ miễn thuế cho một số quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cá nhân Việt Nam là thuốc, thiết bị y tế cho người bị bệnh.
Tuy nhiên, danh mục này ở Nghị định 134/2016 và Nghị quyết 29 có những tên bệnh không đúng với tên gọi mà ngành y tế quy định. Ví dụ, Nghị quyết 29 ghi tên bệnh là "suy thận", trong khi tên gọi của ngành y là suy thận cấp (mã bệnh là N17), suy thận mạn (mã bệnh là N18)...
Việc này dẫn đến tình trạng khi bác sĩ ghi đúng tên bệnh trong hồ sơ bệnh án, thì bệnh nhân lại không được chính quyền địa phương cho nhận hỗ trợ vì tên bệnh không đúng với tên bệnh hiểm nghèo được ghi trong Nghị quyết 29. Điều này đã gây khó cho người dân khi phải đi lại nhiều lần xin xác nhận cho đúng với nghị quyết.
Ngày 25-12-2024, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam ký văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH và các cơ sở khám chữa bệnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của HĐND tỉnh.
Theo đó, Sở Y tế Quảng Nam đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm việc chẩn đoán, xác định bệnh theo đúng quy định chuyên môn và phân loại bệnh theo bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10.
Đối với những trường hợp có đầy đủ hồ sơ, có chẩn đoán xác định nằm trong danh mục 42 nhóm bệnh hiểm nghèo trong Nghị quyết 29, mà bản chất gồm 914 tên bệnh theo mã ICD-10 được Sở Y tế tổng hợp trên cơ sở góp ý của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, thì đề nghị Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định giải quyết chính sách phù hợp cho đối tượng.