Vụ xô xát tại bến xe Đồng Nai: Bảo vệ có quyền sử dụng 'vật giống súng' hay không, chế tài xử lý với các bên thế nào?

Theo luật sư, việc sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, theo đó chỉ được dùng khi có căn cứ chính đáng nhằm bảo vệ an ninh, trật tự và tính mạng con người.

Vụ xô xát tại bến xe Đồng Nai khiến dư luận xôn xao những ngày qua.

Vụ xô xát tại bến xe Đồng Nai khiến dư luận xôn xao những ngày qua.

Báo VOV.vn đưa tin, Công an tỉnh Đồng Nai vừa thông tin kết quả xác minh ban đầu về vụ xô xát tại Bến xe Đồng Nai vì bất đồng chuyện thu phí 40.000 đồng.

Qua điều tra, bước đầu công an xác định, vào lúc 19h00 ngày 30/3, anh Hoàng Quang Hòa (37 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) điều khiển xe ô tô bán tải vào Bến xe Đồng Nai để chở hàng cho anh trai là Hoàng Quang Thành (41 tuổi).

Tại đây, nhân viên bảo vệ bến xe là Trần Minh Tòng (42 tuổi) đến thu phí 40.000 đồng thì anh Thành và anh Hòa thắc mắc dẫn đến xô xát làm anh Tòng rách áo.

Lúc này, anh Tòng đã chạy vào phòng bảo vệ lấy 01 cây súng bắn điện (loại công cụ hỗ trợ) chạy ra đuổi theo dí súng vào người của Thành. Vụ việc này đã được người dân quay clip, sau đó đăng lên mạng xã hội.

Khẩu súng điện được bảo vệ Bến xe Đồng Nai sử dụng lúc xô xát với khách (Ảnh: CACC)

Khẩu súng điện được bảo vệ Bến xe Đồng Nai sử dụng lúc xô xát với khách (Ảnh: CACC)

Bước đầu Công an phường Bình Đa xác nhận, việc anh Trần Minh Tòng sử dụng súng bắn điện để giải quyết vụ việc nói trên là loại súng bắn điện (công cụ hỗ trợ), do Công an tỉnh Đồng Nai cấp phép cho Công ty Cổ phần bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai để sử dụng.

Hiện, Công an phường Bình Đa đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, ông Tống Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú (TP Biên Hòa), đơn vị quản lý và khai thác bến xe Đồng Nai (địa chỉ quốc lộ 1, phường Bình Đa, TP Biên Hòa) thông tin, tối 30/3 tại Bến xe Đồng Nai, hành khách TQT có gọi người nhà chạy xe tải đến chở hàng trong bến xe.

Sau khi xếp hàng lên xe tải, bảo vệ yêu cầu trả tiền theo quy định của bến xe nhưng ông T không đồng ý còn to tiếng, xô đẩy, hành hung kéo xé áo bảo vệ.

"Bến xe đã có quy định về dịch vụ bến. Khi xe tải bên ngoài vào vận chuyển hàng thì phải trả phí. Khi thu tiền thì hai người khách này không trả tiền, chống đối, hành hung bảo vệ. Chúng tôi đã gửi hình ảnh, clip cho công an phường và cả công an tỉnh" - ông Hải cho biết thêm.

Còn vật giống súng mà bảo vệ dùng khi xô xát, lãnh đạo Công ty vận tải Vĩnh Phú cho biết đây là dùi cui điện và bảo vệ bến xe được trang bị để bảo đảm việc an ninh trật tự, cũng không gây hậu quả. Lực lượng bảo vệ công ty sử dụng công cụ hỗ trợ cũng đều phải thực hiện theo đúng quy định.

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về đoạn clip ghi lại vụ việc nói trên. Vậy, hành vi này có vi phạm pháp luật hay không? Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty luật ARC Hà Nội phân tích sự việc theo các quy định pháp luật như sau:

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty luật ARC Hà Nội.

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty luật ARC Hà Nội.

Bảo vệ có quyền sử dụng "vật giống súng" hay không?

Theo thông tin từ phía đại diện Công ty CP Bến xe và Dịch vụ vận tải Đồng Nai cũng như cơ quan công an, vật xuất hiện trong clip là súng bắn điện – một loại công cụ hỗ trợ và đã được cấp phép sử dụng.

Theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 42/2024/QH15, công cụ hỗ trợ bao gồm các loại súng bắn điện, hơi cay, dùi cui điện,… và được cấp phép sử dụng cho lực lượng bảo vệ chuyên trách.

Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 62 của Luật này, theo đó chỉ được sử dụng khi có căn cứ chính đáng nhằm bảo vệ an ninh, trật tự và tính mạng con người.

Hành vi sử dụng súng bắn điện trong vụ việc này có vi phạm pháp luật?

Dựa trên thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra khi một tài xế vào bến xe nhưng không đóng phí, dẫn đến xô xát với bảo vệ. Người này thậm chí còn có hành vi hành hung, làm rách áo nhân viên bảo vệ. Do đó, bảo vệ có thể sử dụng công cụ hỗ trợ để tự vệ hoặc ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 11, Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, việc sử dụng công cụ hỗ trợ không đúng quy trình, vượt quá giới hạn cần thiết có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Hành vi của tài xế có cấu thành tội gây rối trật tự công cộng không?

Theo diễn biến vụ việc, tài xế không chỉ không đóng phí vào bến mà còn có hành vi xô xát với bảo vệ, giằng co, gây mất trật tự tại nơi công cộng. Căn cứ theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), một người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng nếu hành vi của họ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự công cộng hoặc cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân khác.

Trong trường hợp này, nếu cơ quan chức năng xác định rằng hành vi của tài xế làm mất trật tự nghiêm trọng tại bến xe, gây hoang mang hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của bến xe, người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 với mức phạt từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Quy định pháp luật về thu phí quản lý tại các bến xe khách

Việc thu phí đối với các phương tiện ra vào bến xe khách được thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm quản lý, duy trì và vận hành các hoạt động của bến xe. Căn cứ theoĐiều 6. Thông tư liên tịch Số: 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT của Bộ giao thông vận tải, các khoản thu phí tại bến xe có thể bao gồm:

Phí ra vào bến: Được thu theo từng lượt hoặc theo hợp đồng thuê bến.

Phí dịch vụ bến xe: Bao gồm các khoản phí duy trì hoạt động, vệ sinh, an ninh.

Phí xếp dỡ hàng hóa: Nếu có hàng hóa vận chuyển đi kèm.

Các khoản phí khác: Như phí đỗ xe qua đêm, phí sử dụng các tiện ích trong bến.

Trong trường hợp tài xế không đóng phí mà vẫn vào bến hoạt động, hành vi này có thể bị xử lý theo Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Chế tài có thể áp dụng đối với các bên liên quan

Đối với nhân viên bảo vệ: Nếu xác định rằng hành vi cầm súng bắn điện không có căn cứ hợp lý hoặc gây nguy hiểm cho người khác, bảo vệ có thể bị xử lý về hành vi lạm dụng công cụ hỗ trợ theo Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), với mức phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

Đối với tài xế: Nếu có hành vi chống đối, hành hung người thi hành công vụ hoặc cố ý gây thương tích cho bảo vệ, người này có thể bị xử lý theo Điều 134 hoặc Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, tùy theo mức độ vi phạm.

Nếu hành vi của tài xế được xác định là gây rối trật tự công cộng, người này có thể bị xử phạt theo Điều 318 như đã phân tích. Nếu vi phạm quy định về đóng phí, tài xế có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Bảo Vy

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/vu-xo-xat-tai-ben-xe-dong-nai-bao-ve-co-quyen-su-dung-vat-giong-sung-hay-khong-che-tai-xu-ly-voi-cac-ben-the-nao-13547.html