Vụ xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Công bố giảm hơn 5.000 bị hại

Ngày 29/9, Viện Kiểm sát cho biết, trong vụ xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản', do có những bị hại trùng tên, lập nhiều tài khoản… nên sau khi rà soát đã xác định 25.000 bị hại, giảm 5.403 người so với con số hơn 30.403 bị hại công bố trước đó.

Một số nhà đầu tư là bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết có mặt tại phiên tòa hôm 22/7

Một số nhà đầu tư là bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết có mặt tại phiên tòa hôm 22/7

Nhiều bị hại bị trùng tên

Ngày 29/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 đồng phạm trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Công ty cổ phần FLC và các đơn vị liên quan bước vào ngày làm việc thứ 7.

Trước đó, tại phần bào chữa, nhiều ý kiến luật sư cho rằng cần xác định lại số lượng bị hại trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Xây dựng Faros (công ty thuộc hệ sinh thái FLC).

Theo đó, Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros, các công ty thuộc Tập đoàn FLC; người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn. Điều này giúp nâng khống hơn 3.102 tỷ đồng vốn góp vào Công ty cổ phần Xây dựng Faros, làm tăng vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó, các bị can tạo lập hồ sơ, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022 (thời điểm bị khởi tố, tạm giam), Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu, thu được hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Trước khi diễn ra phiên xử, Tòa án đã triệu tập 30.403 nhà đầu tư với vai trò bị hại tham gia tố tụng tại phiên tòa. Đây là những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS).

Về vấn đề này, Viện Kiểm sát cho hay, do có những bị hại trùng tên, lập nhiều tài khoản… nên sau khi rà soát lại đã xác định 25.000 bị hại, giảm so với con số hơn 30.403 bị hại công bố trước đó.

Đại diện Viện Kiểm sát trình bày quan điểm tại phiên tòa hôm 29/7

Đại diện Viện Kiểm sát trình bày quan điểm tại phiên tòa hôm 29/7

Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát, việc xác định lại số lượng bị hại nói trên vẫn không làm thay đổi kết quả điều tra vì trọng tâm vẫn là việc Trịnh Văn Quyết bán khống cổ phiếu, thu lời bất chính cho mục đích cá nhân.

"Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ ra một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS, bị thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng", Viện Kiểm sát nhấn mạnh đây là căn cứ để xác định bị hại của vụ án.

Luật sư đề nghị làm rõ hai tệp bị hại 133 người và 30.403 người

Sau phần công bố của Viện Kiểm sát, luật sư Vũ Đặng Hải Yến (một trong 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết) trong phần tranh luận đã ghi nhận Viện Kiểm sát lắng nghe và xem xét ý kiến của luật sư, theo đó xác định lại số người bị hại khiến số này đã giảm đáng kể.

Đồng thời, luật sư Yến khẳng định, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã bị truy tố đúng người đúng tội. Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự quy định về việc Cơ quan tố tụng sẽ cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để lượng hình.

Vì vậy, bà Yến đề nghị Hội đồng xét xử cho tranh luận để xem xét tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đến thời điểm này.

Theo đó, bà Yến cho rằng trong luận cứ của các luật sư không chỉ nêu ra vấn đề trùng về nhân thân đối với các bị hại mà còn nêu ra một số vấn đề khác nhưng chưa được Viện Kiểm sát xem xét.

Ví dụ, nhiều bị hại trong danh sách 30.403 nhà đầu tư bị hại chưa được tiếp cận với các cơ quan tố tụng để nói lên ý kiến của mình. Trong số đó, nhiều người không có yêu cầu bồi thường và cho rằng họ đã bán có lãi nên không có yêu cầu và những ý đó chưa thấy Viện Kiểm sát phản hồi.

"Ngoài ra, tại sao lại có hai tệp bị hại với 133 bị hại và hơn 30.000 người thì có gì khác nhau cũng chưa thấy làm rõ điều này. Chúng tôi xin tự làm rõ", luật sư nêu.

Bà Yến lý giải, trong danh sách 133 bị hại ở bút lục 549142 thì tiêu chí xác định bị hại như sau: phải đáp ứng các điều kiện là mua cổ phiếu ROS từ F0 (từ tài khoản của Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông ban đầu) và chưa bán hoặc đã bán ít hơn số đã mua. Luật sư hoàn toàn đồng ý với tiêu chí này.

"Tôi nhấn mạnh là còn dư nhưng phải còn dư cổ phiếu F0 (ROS) và mua từ Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông. Vậy còn vấn đề nữa trong bút lục này là tiêu chí để xác định thiệt hại là giá trị mua cổ phiếu F0 còn dư.

Hơn 100 luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa

Hơn 100 luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa

Vậy có nghĩa rằng, theo danh sách của 133 bị hại này thì tất cả những nhà đầu tư đã mua ban đầu F0 thì mới chỉ đáp ứng được tiêu chí đầu tiên. Còn nếu như các nhà đầu tư này đã bán hoặc không còn dư cổ phiếu F0 ROS trong tài khoản thì sẽ không đáp ứng được các tiêu chí tiếp theo của danh sách bị hại.

Vì thế chúng tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tiêu chí mà Viện kiểm sát đang dùng để xác định bị hại. Chúng tôi băn khoăn rằng, cơ quan tố tụng vẫn đang chỉ có một danh sách "chờ", thì các bị hại làm thế nào để thực hiện nhận lại một phần bồi thường từ hơn 3.600 tỷ đồng bị Viện kiểm sát cáo buộc", luật sư Vũ Đặng Hải Yến nêu quan điểm.

Trên cơ sở đó, bà Yến đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lượng hình đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng như các bị cáo khác trên cơ sở vụ án tính đến thời điểm này tính nguy hiểm cho xã hội đã giảm rất nhiều.

Đồng ý với quan điểm trên, luật sư Trịnh Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga) khẳng định việc xác định bị hại trong vụ án này là "vô cùng quan trọng".

Bởi, việc xác định đúng bị hại sẽ là căn cứ để tòa án phán quyết việc đề bù thiệt hại cho nhà đầu tư. Tòa án sẽ phải lập danh sách để xem mỗi bị hại được bồi thường bao nhiêu tiền. Nếu số tiền này không được làm rõ thì khi tuyên trả cho ai, sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi hành án.

Trước đó, trong ngày đầu xét xử (22/7), theo thông báo của chủ tọa phiên tòa, Tòa án đã cho triệu tập hơn 30.000 bị hại của vụ án tới phiên xét xử. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào sáng cùng ngày, chỉ có khoảng hơn 30 bị hại có mặt.

Được biết, đến nay cơ quan tố tụng xác định có 133 người đang sở hữu hơn 627.000 cổ phiếu ROS ban đầu. Trong đó chỉ có 95 bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại do đang sở hữu hơn 381.000 cổ phiếu với giá trị mua gần 1,4 tỷ đồng.

Được biết, gia đình ông Quyết cũng đã gặp, xin lỗi và bồi thường cho 133 nhà đầu tư trên với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Kết thúc một tuần xét xử, Hội đồng xét xử cho biết sẽ xem xét, đánh giá trong thời gian nghị án. Bản án chính thức sẽ được tuyên vào chiều thứ Hai, ngày 5/8/2024.

Hoàng Yến

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/vu-xu-cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-cong-bo-giam-hon-5000-bi-hai-post350414.html