Vụ xuất điều sang Ý có nguy cơ bị lừa: Công ty môi giới đang cật lực cùng doanh nghiệp 'gỡ rối'?

Giám đốc công ty Kim Hạnh Việt khẳng định đang cật lực phối hợp cùng các nhà máy sản xuất điều để 'gỡ rối', bằng cách: khóa đơn hàng, làm lại chứng từ, tìm khách hàng mới...

Cật lực cùng doanh nghiệp "gỡ rối"?

Lãnh đạo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) mới đây xác nhận, nhờ phát hiện sớm nên chỉ có 36 trong 100 container điều xuất khẩu sang Ý bị mất hoàn toàn kiểm soát, số khác đã kịp "phanh" lại.

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Nghi vấn có sự sắp đặt của 'bàn tay tội phạm' trong vụ rủi ro xuất khẩu điều sang Ý

100 container điều xuất sang Ý có nguy cơ bị lừa: Cần làm rõ vai trò bên môi giới

Làm rõ thông tin cả trăm container điều Việt Nam xuất vào Ý có nguy cơ bị lừa đảo

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ bị lừa hàng trăm triệu USD

Các doanh nghiệp điều trước đó đã ký hợp đồng với một số khách hàng ở Ý thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Đại diện Vinacas nhận định, "đây là trường hợp lạ lùng". Bởi, công ty môi giới này đã hoạt động trong ngành môi giới hạt điều nhân và thô tại Việt Nam hơn 10 năm, đồng thời chưa có thông tin chính thức tố cáo cho Vinacas để cảnh báo.

Trao đổi với PV báo Nhà báo & Công luận, giám đốc công ty Kim Hạnh Việt khẳng định đang cật lực phối hợp cùng các nhà máy sản xuất điều để "gỡ rối", bằng cách: khóa đơn hàng, làm lại chứng từ, tìm khách hàng mới...

Giám đốc Kim Hạnh Việt còn cho biết mình đang ở Mỹ, song nếu nhận được lệnh triệu tập của nhà chức trách Việt Nam bà sẽ trở về để phối hợp xử lý.

Vinacas cho biết có doanh nghiệp đã liên hệ được với chủ Kim Hạnh Việt, song thông tin trao đổi khá hạn hẹp. Do đó, nhiều đơn vị đang nghi ngờ có hay không sự tiếp tay của bên môi giới dẫn đến vụ việc trên.

Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, cần làm rõ vai trò của công ty môi giới Kim Hạnh Việt trong vụ việc này. "Từ đâu họ có được thông tin của người mua để kết nối. Với vai trò môi giới, Kim Hạnh Việt đã kiểm tra, xác nhận tỉ mỉ thông tin pháp lý của người mua hay chưa. Ngoài vai trò môi giới, họ còn có vài trò gì khác hay không?", luật sư Phát đặt vấn đề.

Theo luật sư, trong trường hợp xác minh người mua không có thật (tức về mặt pháp lý, không có doanh nghiệp hay cá nhân tồn tại hợp pháp), sẽ quay về vai trò để xử lý đối với bên môi giới.

Luật sư Phát đồng thời chỉ ra, theo Điều 151 Luật Thương Mại 2005, bên môi giới phải có “trách nhiệm về tư cách pháp lý”. Như vậy, nếu họ không đảm bảo nghĩa vụ này, tức họ chưa làm tròn trách nhiệm, được xem là có lỗi dẫn đến thiệt hại của bên bán.

"Lúc này, bên bán có thể tiến hành khởi kiện bên môi giới ra cơ quan tòa án về tranh chấp thương mại để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường đến đâu, tùy thuộc vào sự nhận định của cơ quan tòa án cho yếu tố 'lỗi' của bên môi giới", luật sư Phát cho biết.

Song, trường hợp bên môi giới đã làm tất cả nghĩa vụ của mình, nhưng các hợp đồng nêu trên vẫn không thể thực hiện được do bên mua cố tình lừa đảo, vượt ngoài kiểm soát của môi giới, thì phải dựa vào pháp luật của nước nơi mà bên mua có trụ sở/công dân để giải quyết theo quy định của luật sở tại nước đó.

Nguy cơ mất trắng hàng bất cứ lúc nào

Theo số liệu của Vinacas, hiện có 5 doanh nghiệp thiệt hại với tổng giá trị số hàng bị mất là 7.025.000 USD, tương đương 162 tỷ đồng. Thông tin có được đều hết sức bất lợi bởi việc ngân hàng và doanh nghiệp mất chứng từ gốc sẽ khiến hàng chục container hàng có thể mất trắng.

Đại diện Bộ Công thương đã trực tiếp gặp Đại sứ quán Ý tại Việt Nam nhờ tác động để can thiệp kịp thời khi lô hàng đến cảng. Hiện tại, đã có 2 - 3 container cập cảng, còn khoảng trên 30 container sẽ đến rải rác trong những ngày tới.

Trong cuộc họp với Vinacas ngày 9/3, các ngân hàng cho biết chưa truy tìm ra bộ hồ sơ gốc ở đâu. Trước đó, từ tháng 2, 5 doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam thực hiện giao dịch quốc tế qua giải pháp thanh toán D/P (Documents against Payment) tức là phương thức nhờ thu với 5 ngân hàng trong nước.

Đây là phương pháp khép kín thanh toán trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng tại Ý lại không nhận được bộ chứng từ gốc mà chỉ là bộ bản sao. Từ đó, các nhà băng này không chấp nhận thanh toán tiền hàng. Trong khi, theo thông lệ quốc tế, bất kỳ ai cầm chứng gốc đến gặp hãng tàu thì đều được quyền lấy hàng. Nếu các hãng tàu không cho lấy hàng thì chính họ sẽ bị khởi kiện.

Đại diện các ngân hàng Việt Nam còn cho biết họ đều gửi chứng từ gốc qua hãng chuyển phát nhanh nổi tiếng toàn cầu DHL. Theo đó, có 2 giả thuyết được đưa ra. Một, chứng từ gốc mất từ bộ phận chuyển phát nhanh của DHL. Hai, DHL đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển phát nhưng khi chứng từ tới ngân hàng Ý thì bị đánh tráo ngay thời điểm đó.

Một mối lo khác là Vinacas đã mời đại diện 5 hãng tàu gồm Cosco, YANGMING, HMM, ONE... nhưng chỉ có đại diện hãng Cosco có mặt, các hãng khác báo bận.

"Tuy nhiên, phía Cosoco cho rằng cứ có bộ hồ sơ nhận hàng là giao hàng, bất kể đó là ai, dù là kẻ cướp vì nếu không giao thì người có bộ hồ sơ pháp lý sẽ kiện ra tòa", đại diện Vinacas thông tin.

Theo đó, Vinacas tiếp tục có công văn đến văn phòng chính của Cosco tại Trung Quốc nhờ can thiệp. Ngoài ra, hiệp hội cũng đang kiến nghị các trung tâm trọng tài Việt Nam đề xuất vận dụng các quy định pháp lý quốc tế khẩn cấp để can thiệp nhằm lấy lại hàng. Song, điều này được cho rằng rất khó vì trong tháng 3/2022 hàng hóa sẽ về đầy các cảng ở Ý.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vu-xuat-dieu-sang-y-co-nguy-co-bi-lua-cong-ty-moi-gioi-dang-cat-luc-cung-doanh-nghiep-go-roi-post184758.html