Vụ xung đột quyền lợi chưa từng có ở V-League và 'con tin' của bầu Đức
HAGL được bầu Đức sử dụng như 'con tin' để gây áp lực lên VPF trong sự việc xung đột bản quyền quảng cáo mới diễn ra.
Những ngày qua, làng bóng đá Việt Nam xôn xao câu chuyện VPF và HAGL xung đột quyền lợi nhà tài trợ.
Theo đó, VPF yêu cầu HAGL không quảng bá hình ảnh nước tăng lực Carabao bởi ngành hàng nước tăng lực đã được đối tác tác tài trợ cho V-League là Sâm Ngọc Linh K5 đăng ký độc quyền với sản phẩm nước tăng lực Night Wolf.
Trước động thái của VPF, HAGL phản ứng dữ dội, trong đó bầu Đức còn thẳng thừng tuyên bố ông sẽ giải tán đội bóng nếu bị “ép”.
Ở đây, cần làm rõ hai vấn đề, VPF và đối tác Night Wolf ký thỏa thuận hợp tác từ năm 2022 với bản hợp đồng kéo dài tới 2024.
Trong khi đó, HAGL ký với Carabao đầu năm 2023. Nhằm chuẩn bị cho mùa giải 2023, VPF đương nhiên đưa ra những thông tin liên quan tới vấn đề độc quyền nêu trên.
Phía HAGL tất nhiên cũng không thể ký hợp đồng cùng nhãn hàng Thái Lan trong ngày một ngày hai, quá trình đàm phán hẳn phải diễn ra suốt thời gian dài.
Việc đội bóng phố Núi đưa ra lập luận rằng HAGL ký kết trước thời điểm VPF đưa ra thông báo Night Wolf quảng cáo độc quyền ngành hàng nước tăng lực tại V-League 2023 cho thấy đội chủ sân Pleiku hiểu rõ mình đang làm gì. Nói cách khác, HAGL biết sai nhưng vẫn làm.
Bản hợp đồng với Red Bull trước đó hoàn toàn khác về bản chất bởi Red Bull hợp tác cùng HAGL trước thời điểm Night Wolf tài trợ V-League và VPF buộc phải tôn trọng bản hợp đồng này.
Vậy tại sao bầu Đức vẫn dùng chiêu cũ, dọa bỏ giải? Đơn giản, vị doanh nhân này đang muốn lấy đội bóng dưới quyền ra làm “con tin” để đưa điều kiện với VPF.
Từ góc độ nhà điều hành giải đấu, VPF dĩ nhiên không muốn có bất kỳ sự xáo trộn nào trước mùa giải mới.
Bên cạnh đó, cũng cần thừa nhận, HAGL là cái tên nhận được sự quan tâm của người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Bầu Đức đương nhiên hiểu được điều này nhưng việc dùng đội bóng làm “con tin” cho thấy ông đang đuối thế vì cả lý lẫn tình đều chẳng ủng hộ.
Đội ngũ truyền thông của HAGL còn mở chiến dịch chống độc quyền trên mạng xã hội nhưng đừng quên câu chuyện này không mới và chính HAGL đóng góp cho quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung, các quy định của V-League nói riêng.
Đội bóng phố Núi không thể nói không biết tới quy định về quảng cáo độc quyền của nhà tài trợ chính giải đấu bởi nó tồn tại từ năm 2012.
Nếu thực sự không biết thì rõ ràng HAGL quá thiếu trách nhiệm với bóng đá Việt Nam, với sân chơi chung, đi ngược lại với những lý tưởng bầu Đức hô hào nhiều năm qua.
Giải pháp tốt nhất hiện tại là các bên cùng ngồi lại bàn thảo để tìm ra cách giải quyết vấn đề, tránh xung đột chứ không phải cố bao biện cho cái sai như HAGL đã và đang làm.