Vụ Xuyên Việt Oil: Viện Kiểm sát đánh giá vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng
Theo Viện Kiểm sát, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát tài sản Nhà nước đặc biệt lớn; tội phạm xảy ra ở nhiều Bộ, ngành, địa phương khác nhau…
Các cá nhân nhận hối lộ đều có chức vụ, quyền hạn
Ngày 25/11, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM (Viện Kiểm sát) đã thực hành quyền công tố, luận tội, đề nghị mức án đối với 15 bị cáo trong liên quan đến hành vi sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) và các tổ chức khác.
Theo Viện Kiểm sát, đây là vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ có liên quan đến lĩnh vực an ninh năng lượng, tài chính, và ngân hàng, diễn ra tại cả Trung ương và địa phương. Vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước, xâm phạm nghiêm trọng đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức và thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Hành vi phạm tội xảy ra tại nhiều Bộ, ngành, địa phương, với 4 tội danh bị khởi tố. Phần lớn các bị cáo bị xử lý thuộc nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, những người nhận hối lộ đều là các cá nhân giữ chức vụ và quyền hạn cao trong các cơ quan nhà nước.
Cụ thể, có 8/15 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ, gồm: Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương); Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương); Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương); Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương); Đặng Công Khôi (cựu Phó cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính)
Bị cáo Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục thuế TP.HCM); Phan Kiến Anh (cựu Giám đốc chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn); Lê Đức Thọ (cựu Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Vietinbank; cựu Bí thư tỉnh Bến Tre).
Quá trình điều tra, truy tố và xét hỏi công khai tại phiên tòa đã làm rõ rằng các bị cáo, với tư cách là những cá nhân có thẩm quyền, đã nhận tiền từ bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) để hỗ trợ Công ty Xuyên Việt Oil của bà Hạnh đạt được nhiều lợi ích bất hợp pháp.
Cụ thể, các bị cáo đã giúp công ty này được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong các năm 2016 và 2021. Bỏ qua các vi phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát Quỹ Bình ổn giá (BOG), được ưu ái mua hàng và ký hợp đồng với Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn. Đồng thời trì hoãn việc ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế của Cục Thuế TP.HCM và xin phê duyệt hạn mức tín dụng tại Vietinbank.
Mặc dù bị truy tố về tội nhận hối lộ, các bị cáo biện minh rằng chỉ nhận quà cảm ơn hoặc quà tặng vào các dịp lễ, Tết, không có động cơ vụ lợi. Tuy nhiên, sự biện hộ này bị bác bỏ bởi các tài liệu, chứng cứ đã chứng minh rõ rằng những khoản tiền và tài sản mà Mai Thị Hồng Hạnh đưa đều gắn liền với các hành động cụ thể của các bị cáo nhằm đạt được mục đích bất chính của bà Hạnh.
Theo Viện Kiểm sát, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương làm trong sạch bộ máy nhà nước, các bị cáo Đỗ Thắng Hải, Nguyễn Lộc An, Trần Duy Đông, và Hoàng Anh Tuấn – những người giữ các vị trí quan trọng trong Bộ Công Thương, chịu trách nhiệm về việc cấp Giấy phép kinh doanh xăng dầu, một mặt hàng thiết yếu đối với nền kinh tế – đã vi phạm nghiêm trọng đường lối, gây tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước trước nhân dân.
“Hành vi của họ cần được xử lý nghiêm minh nhằm giáo dục cá nhân và răn đe chung, hạn chế tối đa loại tội phạm này trong tương lai”, đại diện Viện Kiểm sát nhận định.
Đối với lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng và phân phối xăng dầu, các bị cáo Lê Đức Thọ, Phan Kiến Anh, Lê Duy Minh, Đặng Công Khôi, vì động cơ vụ lợi, đã nhận hối lộ từ Mai Thị Hồng Hạnh. Những hành vi này cũng cần phải được xét xử với mức án phù hợp, tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội, để bảo đảm công lý và duy trì niềm tin của xã hội.
Tiếp tục phong tỏa 36 tài khoản của “bà chủ” Xuyên Việt Oil
Đại diện Viện Kiểm sát ghi nhận sự tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, không yêu cầu bị cáo Nguyễn Thị Như Phương phải liên đới bồi thường. Buộc Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh bồi thường 1.463 tỷ đồng. Tiếp tục phong tỏa 36 tài khoản của Hạnh và Công ty Xuyên Việt Oil để đảm bảo thi hành án.
Đối với 46 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - sở hữu nhà ở (sổ đỏ) của Hạnh, 15 sổ đỏ của Mai Tuấn Kiệt; 8 sổ đỏ của Công ty Xuyên Việt Oil và 14 sổ đỏ tại các Công ty mà Công ty Xuyên Việt Oil và Mai Thị Hồng Hạnh góp vốn, đã được thế chấp tại các tổ chức tín dụng, đang được tạm dừng giao dịch để giải quyết vụ án trong giai đoạn 2.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị giải tỏa tạm dừng giao dịch đối với 08 tài sản, theo 7 Hợp đồng chuyển nhượng của Công ty Xuyên Việt Oil cho Công ty Xăng dầu Quân đội. Do các tài sản này đã được chuyển nhượng hợp pháp cho Công ty Xăng dầu Quân đội trước khi khởi tố vụ án.
Giải tỏa tạm dừng giao dịch 1 sổ đỏ của Nguyễn Thị Như Phương (GCN này Phương đang thế chấp tại Vietinbank). Lý do, tại phiên tòa, bị cáo Hạnh có quan điểm chịu trách nhiệm toàn bộ đối với số tiền thiệt hại, không yêu cầu bị cáo Phương phải liên đới khắc phục hậu quả; số tiền mua bất động sản này là của bị cáo Phương, không liên quan vụ án.
Về việc xử lý vật chứng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tịch thu sung ngân sách nhà nước 26 thiết bị máy tính, điện thoại, máy tính bảng là vật chứng vụ án; Tiếp tục kê biên 11 sổ đỏ của Mai Thị Hồng Hạnh.
Đối với 1 sổ đỏ liên quan đến Công ty TNHH xăng dầu Đồng Xoài, do Trần Tuấn Anh vay 2,5 tỷ đồng của Công ty Xuyên Việt Oil và cầm cố lại sổ đỏ nêu trên cho Công ty Xuyên Việt Oil. Do ông Trần Tuấn Anh có đơn gửi HĐXX xin nộp 2,5 tỷ đồng để xin trả lại sổ đỏ nêu trên nên đề nghị HĐXX buộc ông Tuấn Anh nộp 2,5 tỷ đồng để thu hồi tài sản cho Nhà nước.