Vụ YouTuber Thơ Nguyễn đăng clip búp bê xin 'vía học giỏi': Cha mẹ tạo ra cho trẻ em vaccine kháng thể
Clip Thơ Nguyễn ôm búp bê giống Kuma Thong xin 'vía học giỏi' cho trẻ em đã bị nhiều chỉ trích gay gắt từ cộng đồng mạng xã hội. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về việc này, chuyên gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho rằng, phải tạo ra cho trẻ em vaccine kháng thể cho cơ thể.
Thưa bà, cộng đồng mạng xã hội vẫn đang bức xúc về việc clip TikTok của YouTuber Thơ Nguyễn ôm búp bê và gọi nó là Cư Ma Mập để xin “vía học giỏi” đang đầu độc tâm hồn trẻ thơ Việt Nam. Nhiều cha mẹ hết sức lo lắng bởi hàng ngày không thể ngồi cùng con xem các clip để kiểm soát. Bà có ý kiến gì về việc này?
- Chúng ta đều biết, những clip nhảm nhí, phi giáo dục trên môi trường mạng không phải là mới. Trước đây, clip của Bà Tưng, Khá Bảnh, hay những clip dạy thử thách rất nguy hiểm (treo cổ, trốn trong tủ quần áo, trong máy giặt....) xuất hiện nhiều lần rồi và mỗi lần đó chúng ta lại rộ lên rồi quên đi mất. Đây thực sự là vấn nạn trên môi trường mạng vì những tài khoản này đánh trúng vào tâm lý thích sự màu mè, sôi động của trẻ em. Chứ các em chưa đủ khả năng phân biệt đâu là clip có ích, có tính giáo dục và không có tính giáo dục, đâu là bình thường, đâu là bất thường.
Khi trẻ em chưa có tư duy phản biện và chưa phân tích được được đâu là tốt, xấu lại xem quá nhiều và thấy đây là chuyện bình thường. Như vậy những clip gây hại đó hình thành tư duy lệch lạc trong quá tình phát triển mà các em không biết được, thậm chí dẫn tới bắt chước như vụ bé 5 tuổi bắt chước treo cổ tự tử, bắt chước thử thách rất mất vệ sinh, bắt nạt bạn bè.
Tôi thấy, đối với trẻ dưới 6 tuổi, có rất nhiều cha mẹ dùng công nghệ để trông con, cho con ăn để không bị làm phiền một thời gian. Nhưng tôi nghĩ, tuy là thách thức khi cha mẹ muốn có thời gian cho mình; nhưng trẻ dưới 6 tuổi rất cần có cha mẹ có thể hỗ trợ, đồng hành và định hướng. Thế nên, không có cách nào khác, những cha mẹ có con ở độ tuổi này phải kiểm soát con một chút. Bởi thời gian trẻ nên xem các chương trình, kể cả ti vi, kênh youtube chỉ 30 phút, cùng lắm là 1 tiếng mỗi ngày.
Bà có thể nói rõ hơn về việc trẻ ở độ tuổi dưới 6 và dưới 13 nên xem những kênh nào, nội dung gì?
- Như tôi đã nói, trẻ em dưới 6 tuổi chưa phân biệt được clip nào là tốt, xấu, thế nên nếu cha mẹ cho con dùng youtube thì dùng youtube kids, cài đặt độ tuổi. Hoặc, cài đặt những chương trình con nên xem; và tốt nhất là cha mẹ cùng nên xem với con. Hoặc, cha mẹ cho con xem những kênh mang tính giáo dục như VTV7. Đó là những lưu ý về kỹ thuật khi sử dụng các thiết bị công nghệ.
Đối với trẻ trên 7 tuổi, cha mẹ kiểm soát con nghiêm ngặt hơn. Khó có thể cha mẹ kiểm soát con 100% thời gian nhưng không còn cách nào khác là đồng hành và nói chuyện với con. Nhưng tôi lại thấy nhiều cha mẹ kiểm soát con rất hời hợt. Ví dụ như khi cha mẹ nhìn thấy con xem clip nhảm nhí thì bắt tắt ti vi, chuyển kênh, thu điều khiển. Với những giải pháp đó, cha mẹ không thể biết được sau này con có xem không, có bắt chước không, suy nghĩ của con thế nào. Do đó, không còn cách nào khác, cha mẹ phải đồng hành cùng con hằng ngày.
Một lưu ý nữa, Tiktok hay những kênh khác giới hạn độ tuổi 13 thì sẽ không phù hợp với trẻ dưới 13 tuổi. Kể cả trẻ trên 13 tuổi, nếu có xem chương trình nào đó thì cha mẹ cũng phải cài đặt độ tuổi và sử dụng các phương pháp mà kênh này có để bảo vệ cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Vậy còn những giải pháp mang tính lâu dài để bảo vệ trẻ em khi xem các chương trình trên môi trường mạng là gì, thưa bà?
- Giải pháp mang tính lâu bền là nói chuyện với con, cùng con phân tích tìm hiểu xem có những rủi ro gì trên môi trường mạng, từ đó giúp con có tư duy phản biện. Chẳng hạn như hằng ngày cha mẹ hỏi con xem chương trình gì trên môi trường mạng và có những cảm xúc gì, phân tích gì. Nếu con có những băn khoăn thì hãy chia sẻ với cha mẹ. Cha mẹ có thể đặt ra những tình huống cho con như: Nếu con gặp những clip này kia thì sẽ phản ứng thế nào, có suy nghĩ gì và sau đó hành động ra sao. Ví dụ như con sẽ dời chương trình đó; chặn chương trình; con báo cáo cha mẹ, thầy cô, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Các cha mẹ cần giúp trẻ tạo ra vaccinne kháng thể để bảo vệ cho cơ thể mình. Đó mới là giải pháp lâu dài mà cha mẹ và con cái cùng đồng hành với nhau.
Xin cảm ơn bà!