'Vừa bị bạo lực gia đình, vừa phải nộp phạt thay chồng'
Quy định về lao động công ích đã có từ lâu và nhiều ĐB đề nghị luật hóa nhằm giáo dục người vi phạm hành chính.
Sáng 18-6, thảo luận Dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xử lý vi phạm hành chính, nhiều ĐB đã đề cập tới biện pháp “lao động công ích” áp dụng cho các chủ thể vi phạm.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định hình thức phạt lao động công ích vào dự thảo luật. ĐB Hoa nói hình thức xử phạt này đã được quy định, đặc biệt là Pháp lệnh 15/1999 của Quốc hội khóa X về lao động công ích.
Việc áp dụng hình thức xử phạt này tác động trực tiếp tới những người vi phạm vì hình thức lao động là không thể thay thế được của người lao động, còn tiền bạc hoàn toàn có thể thay thế, thậm chí vay mượn để nộp phạt.
Bên cạnh đó, hình thức này giúp việc thi hành xử phạt có tác dụng tích cực hơn trong việc hình thành ý thức pháp luật, qua đó người vi phạm nhận thấy trách nhiệm, bổn phận của mình đối với cộng đồng và thúc đẩy quá trình tái hòa nhập xã hội.
ĐB Hoa cũng dẫn kinh nghiệm từ một số nước như Anh, Mỹ để minh họa. Bà còn nói thực tế hình thức phạt tiền không có hiệu quả với nhiều vi phạm như người gây mất trật tự công công hay bạo lực gia đình.
“Thậm chí những người là nạn nhân của bạo lực gia đình lại là nạn nhân kép khi họ vừa là nạn nhân đồng thời dùng tiền gia đình đi nộp phạt thay cho chồng. Rất nhiều người cân nhắc phán ánh bạo lực gia đình vì sợ mất nguồn tiền của gia đình”, ĐB Hoa nêu.
Từ đó, đại biểu Hoa đề nghị bổ sung hình thức xử phạt lao động công ích, đồng thời kiến nghị phải có cơ chế giám sát rõ ràng để tránh nguy cơ lạm dụng hình thức lao động công ích để xâm hại quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng đề nghị bổ sung hình thức lao động công ích vì cho rằng nếu hoàn cảnh, đối tượng áp dụng phù hợp sẽ tăng cường hiệu quả, hiệu lực của luật. Tuy nhiên, ĐB Cảnh kiến nghị chỉ áp dụng hình thức lao động công ích với đối tượng người từ 16-30 tuổi.
Theo ĐB Cảnh, Luật Thanh niên quy định thanh niên phải gương mẫu chấp hành chính sách pháp luật. Bên cạnh đó, hình thức phạt tiền không có tác dụng nhiều với đối tượng này vì thường là họ sẽ dùng tiền của gia đình để nộp phạt.
“Cũng giống như nội dung quy định luật Phòng chống tác dụng rượu bia, chúng ta không có đủ con người, thiết bị... xử lý hết những người vi phạm nhưng luật đã làm cho vi phạm liên quan tới rượu bia giảm sâu. Đưa ra hình thức xử phạt lao động công ích này sẽ giảm đáng kể hành vi vi phạm pháp luật hành chính đối với thanh niên”- ĐB Cảnh phân tích.
Ông kiến nghị nếu Quốc hội đồng ý đưa hình thức xử phạt này vào luật thì cần giao Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, loại hình công việc, nơi thực hiện, thời gian thực hiện, tổ chức giám sát và các quy định có liên quan.
Còn ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho rằng muốn áp dụng hình thức xử phạt lao động công ích thì phải do tòa án thực hiện. “Nếu quy định trong luật Xử lý vi phạm hành chính thì sẽ vi phạm Công ước về lao động cưỡng bức mà Quốc hội vừa phê chuẩn”- ĐB Hiển nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/vua-bi-bao-luc-gia-dinh-vua-phai-nop-phat-thay-chong-919296.html