Vua Bỉ phá vỡ im lặng về quá khứ thực dân đẫm máu ở châu Phi
Vua Philippe của Bỉ đã gửi tới Tổng thống Congo Felix Tshisekedi bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc vì sự cai trị tàn bạo của chế độ thực dân tại quốc gia châu Phi trong quá khứ.
Theo AP, một bức thư từ Vua Philippie của Bỉ đã được gửi tới Tổng thống Congo Felix Tshisekedi. Bức thư được công bố vào ngày quốc khánh của Congo hôm 30/6.
Trong bức thư gửi tới Tổng thống Tshisekedi, Vua Philippie đã bày tỏ "sự hối tiếc sâu sắc nhất" vì "những hành động bạo lực và tàn ác" mà thực dân Bỉ gây ra trong quá khứ, cũng như vì "sự khổ đau và sỉ nhục" mà người dân Congo phải chịu đựng dưới thời kỳ thực dân Bỉ.
"Tôi muốn bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc nhất đối với những vết thương của quá khứ, nỗi đau mà hôm nay một lần nữa tái hiện bởi sự phân biệt đối xử hiện hữu trong xã hội của chúng ta", bức thư của Vua Philippe có đoạn.
Người đứng đầu Hoàng gia Bỉ thừa nhận quá khứ cai trị bạo lực "vẫn đè nặng lên quan hệ" giữa hai nước, ông bày tỏ mong muốn hai nước tiếp tục đối thoại "bằng tất cả sự thật và thanh thản". Vua Philippe cũng cam kết "chiến đấu chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc".
Bức thư của Vua Philippe được gửi tới Congo trong bối cảnh xuất hiện nhiều ý kiến yêu cầu chính phủ Bỉ đánh giá lại quá khứ thực dân của nước này và nhận trách nhiệm cho các cuộc diệt chủng trong thời kỳ Congo bị biến thành sở hữu cá nhân của Vua Bỉ Leopold II.
Congo trở thành thuộc địa của Bỉ từ năm 1885. Trong 23 năm đầu tiên của chế độ thực dân Bỉ, Congo là tài sản cá nhân của Vua Leopold II. Dưới quyền quản lý của cá nhân Vua Leopold II, nhiều người dân bản địa đã bị buộc trở thành nô lệ phục vụ tại các hầm mỏ.
Sự cai trị của Vua Leopold II gắn liền với sự tàn bạo, các chuyên gia cho biết khoảng 10 triệu người Congo người đã chết trong 23 năm vùng đất này, dưới sự sở hữu của Vua Leopold II. Sau năm 1908, quyền cai trị Congo được chuyển giao lại cho chính phủ Bỉ, tới khi quốc gia châu Phi này giành độc lập năm 1960.
Tại Bỉ ngày nay, nhiều công trình về Vua Leopold II vẫn hiện hữu như tượng đài, bia tưởng niệm. Trong bối cảnh các hoạt động chống phân biệt chủng tộc dâng cao tại phương Tây, chính phủ Bỉ đang đứng trước sức ép phải dỡ bỏ các công trình tưởng nhớ về Vua Leopold II.