Vua chúa Việt dùng luật pháp để chống tham nhũng thế nào?
Trong bất cứ thời đại lịch sử nào gắn với thiết chế nhà nước, tham nhũng luôn là vấn nạn khiến các nhà cai trị phải tìm cách ứng phó vì nó liên quan tới sự tồn vong của quốc gia. Các triều đại phong kiến Việt đã dùng luật pháp để kiểm soát tham nhũng như thế nào?
Nhà Lý: Triệt để ngăn chặn tham nhũng trong việc thu thuế
Trong bất cứ triều đại nào, thuế quan luôn là lĩnh vực mà các quan tham có thể lợi dụng để bòn rút tiền của nhân dân. Nhận thức được vấn đề này, vào năm 1042, vua Lý Thái Tông đã cho ban chiếu về việc thu thuế trăm họ, theo đó viên quan thừa hành nào thu thuế của dân vượt quá quy định sẽ bị xử theo tội ăn trộm.
Năm 1044, vua ra một chiếu khác, ra quy định cụ thể hơn, rằng ai ở kho lụa nhận riêng một thước lụa sẽ bị phạt 100 trượng, nhận từ một tấm trở lên bị phạt trượng theo số tấm kèm 10 năm khổ sai.
Cũng trong năm này có một đạo chiếu quy định cấm các quan coi ngục không được sai tù làm việc riêng. Nếu vi phạm bị xử 100 trượng, thích chữ vào mặt và vào nhà lao.
Nhà Hậu Lê: Tham ô một quan tiền là mất chức, 20 quan tiền là tử hình
Khi vua Lê thánh Tông (1460-1497) mới lên ngôi, đất nước chìm trong quốc nạn tham nhũng, tướng sĩ thì lo hưởng lạc; quan lại chia bè phái và tham nhũng; người dân đói khổ oán thán. Vua nhìn nhận rằng nạn tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất cần phải tiêu diệt.
Chính vì vậy, vua bổ sung hoàn thiện bộ luật Hồng Đức, nhằm tăng sức mạnh chống tham nhũng cho bộ luật này. Việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to đầu triều xuống tận đến địa phương. Trong 722 điều bộ luật Hồng Đức thì có trên 40 điều thuộc về chống tham nhũng.
Điều 138 có đoạn quy định rõ như sau: “Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền, bị cách chức. Từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày. Từ 20 quan trở lên, bị chém. Các ngươi ăn lễ từ 1 đến 9 quan, phải phạt 50 quan. Từ 10 đến 19 quan, phạt từ 60 đến 100 quan. Từ 20 quan trở lên, phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”. Việc xử phạt này không phân biệt giàu nghèo hay chức vụ đảm trách.
Luật Hồng Đức cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật ngày xưa, chỉ tham ô một quan tiền là mất chức, 20 quan tiền là bị tử hình.
Nhà Nguyễn: Quan tha bị tịch thu tài sản, xử chém trước dân chúng
Thời nhà Nguyễn việc tham nhũng bị trừng trị rất nghiêm khắc. Bộ luật Gia Long ra đời có 400 điều thì có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng.
Trong đó điều 31 quy định: Quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ.
Điều 111 quy định: Quan lại dùng uy thế (chức vụ) vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ.
Điều 229 quy định: Kho của vua gọi là Nội phủ, nó ở trong cấm địa của Hoàng thành. Hễ lấy trộm món gì ở đó dù nhiều hay ít đều bị tội chém đầu.
Nhìn chung, vào giai đoạn đầu của nhà Nguyễn, các quan tham nhũng của dân đều bị tịch thu tài sản, đem xử chém trước dân chúng nhằm thị uy, khiến các quan khác nếu manh nha ý định tham nhũng nhìn vào phải sợ mà không dám nhũng nhiễu dân lành.