Vừa đặt stent mạch vành, cụ bà phát hiện ung thư đại tràng

4 ngày sau khi đặt stent mạch vành, bà Nguyễn Thị Lái (80 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) đi tiêu ra máu do khối u ở đại tràng và được chỉ định phẫu thuật.

Giữa tháng 4, bà Nguyễn Thị Lái cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong tình trạng đi tiêu ra máu. Người nhà cho biết bà bị hẹp hai mạch vành, được chỉ định phẫu thuật can thiệp đặt hai stent. Do tình trạng sức khỏe không đáp ứng việc đặt cùng lúc hai stent, bệnh nhân được tiến hành đặt từng cái, chia làm hai đợt.

Sau khi đặt stent đầu tiên, bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc kháng tập kết tiểu cầu, phòng ngừa biến chứng tắc stent. Tuy nhiên, sau 4 ngày sử dụng thuốc, bệnh nhân đi tiêu ra máu, máu nhuộm đỏ phân, được người nhà đưa đi cấp cứu.

 Hình ảnh khối u đại tràng qua chụp cắt lớp CT.

Hình ảnh khối u đại tràng qua chụp cắt lớp CT.

Sau khi thực hiện các bước cấp cứu ban đầu, bác sĩ Cấp cứu phối hợp bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa, Tim mạch xem xét kỹ hơn tình trạng người bệnh.

Tiếp nhận ca bệnh, BS.CKII Nguyễn Quốc Thái - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa - nhận định tình trạng đi tiêu ra máu có thể xuất phát từ vấn đề của hệ tiêu hóa. Để chắc chắn, bác sĩ chỉ định người bệnh thực hiện nội soi đại tràng.

Kết quả cho thấy có khối u lớn ở đại tràng phải, kích thước hơn 5 cm, gây bít lòng, khiến ống soi không thể qua. Khối u là nguyên nhân gây ra tình trạng đi tiêu ra máu. Bên cạnh đó, tác dụng phụ của thuốc kháng tập tiểu cầu khiến tình trạng bệnh ở đường tiêu hóa diễn ra nặng và rõ ràng hơn. Do đó, người bệnh cần phẫu thuật sớm.

Tuy nhiên, với bệnh nhân vừa đặt stent, bác sĩ phải cân nhắc thời điểm phẫu thuật thích hợp. Nếu để lâu, khối u phát triển, gây bít tắc ruột hoàn toàn, tăng nguy cơ biến chứng. Trường hợp phẫu thuật sớm, khi bệnh nhân vừa đặt stent mạch vành, có thể gặp biến chứng tim mạch (tắc stent), nguy hiểm tính mạng.

Sau hội chẩn giữa chuyên khoa Ngoại tiêu hóa, Tim mạch và Ung thư, để đảm bảo an toàn, các bác sĩ thống nhất bệnh nhân tiếp tục uống thuốc kháng kết tập tiểu cầu một tháng, khi stent ổn định sẽ phẫu thuật loại bỏ khối u. Trong thời gian đó, bệnh nhân tái khám mỗi tuần để theo dõi hồng cầu, nếu chảy máu sẽ nhập viện. May mắn sau đó bệnh nhân không còn đi tiêu ra máu. Các bác sĩ nhận định đây là ca phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao nhằm tránh nguy cơ có thể xảy ra. Ngoài ra, bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh tim mạch nên rủi ro lớn.

“Nếu không may xảy ra biến chứng chảy máu sau mổ, việc điều trị rất khó khăn. Bệnh nhân sử dụng thuốc kháng đông không thể cầm máu, nguy cơ mất máu khiến chỗ khâu nối không lành, dễ biến chứng nhiễm trùng. Ngược lại, nếu ngưng thuốc kháng đông, có thể ảnh hưởng tim mạch. Những biến chứng này có thể dẫn đến tử vong”, bác sĩ Quốc Thái phân tích.

 Một tuần sau mổ, sức khỏe bà Lái dần hồi phục, có thể ăn uống, đi lại.

Một tuần sau mổ, sức khỏe bà Lái dần hồi phục, có thể ăn uống, đi lại.

Vào trung tuần tháng 5, với sự phối hợp nhịp nhàng của ê kíp mổ liên chuyên khoa, ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, cầm máu tốt cho bệnh nhân.

Một tuần sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, không cảm thấy đau đớn, có thể đi lại, ăn cháo và được xuất viện sau đó hai ngày. Kết quả giải phẫu bệnh phẩm là ung thư giai đoạn II, không có dấu hiệu di căn.

Là người thăm khám, phẫu thuật và theo dõi sức khỏe cho bà Lái suốt quá trình điều trị, bác sĩ Quốc Thái đánh giá đây là ca bệnh phức tạp, nhiều nguy cơ rủi ro vì bệnh nhân lớn tuổi, lại mắc bệnh lý tim mạch. Sau hồi phục, bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị bệnh lý tim mạch.

Quyên Phan - Minh Chi

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/vua-dat-stent-mach-vanh-cu-ba-phat-hien-ung-thu-dai-trang-post1439778.html