Vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến: Trường học xoay xở thế nào?
Với phương án dạy học 50% trực tuyến, 50% trực tiếp, áp lực vừa bảo đảm chất lượng dạy học, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch đang dồn lên vai các trường học, giáo viên.
Theo hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội, từ 6/12, học sinh lớp 12 học trực tiếp kết hợp học trực tuyến; mỗi học sinh đến trường học trực tiếp 3 buổi/tuần, các buổi còn lại học trực tuyến. Để bảo đảm chất lượng dạy học, các nhà trường đưa ra phương án giáo viên vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến ngay tại trường học.
“Chạy sô” giữa các tiết học
Được đến trường dạy và học trực tiếp sau thời gian dài tạm ngừng tới trường, học trực tuyến để phòng, chống dịch là niềm vui chung của giáo viên và học sinh.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Hà Nội cho phép các trường đủ tiêu chí có 50% số lớp 12 học trực tiếp vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu; 50% số lớp còn lại học vào các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Trong các ngày còn lại thì học sinh sẽ học trực tuyến. Vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến, làm thế nào để tạo thuận lợi nhất cho giáo viên và bảo đảm chất lượng dạy học là câu hỏi đặt ra với các trường học.
Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) có 705 học sinh lớp 12. Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, để bảo đảm công tác phòng chống dịch, nhà trường bố trí mỗi tầng 2 lớp học, mỗi lớp học tách thành 2 phòng học. Các môn tự nhiên giáo viên được yêu cầu ôn tập, cũng cố kiến thức cũ trong khi đó các môn xã hội vừa ôn bài cũ vừa dạy bài mới.
Bà Quỳnh cũng nhìn nhận, với phương thức học 50% trực tuyến, 50% trực tiếp lại tách lớp như hiện nay, phụ huynh yên tâm vì giảm nguy cơ dịch bệnh trong trường học nhưng áp lực dồn lên vai giáo viên. Có người vừa dạy tiết 1 trực tiếp ở lớp, tiết 2 có thể lên phòng máy để dạy trực tuyến khối 10,11. Nhà trường đã bố trí 1 phòng máy tính để giáo viên dạy tại chỗ.
Theo hướng dẫn của Sở GDDT, trước khi đón học sinh lớp 12 trở lại trường, Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, bảo đảm vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy trực tiếp cho học sinh. Bà Phan Hải Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên cho biết, các phòng học của nhà trường được bố trí đầy đủ máy tính, máy chiếu, các hệ thống camera. Các thầy cô có thể dạy trực tiếp học sinh lớp 12, sau đó sang phòng học khác để dạy trực tuyến cho học sinh lớp 10, 11 qua ứng dụng Microsoft Teams.
“Nhà trường đã chuẩn bị tốt đường truyền mạng để bảo đảm việc dạy học trực tuyến. Đồng thời, trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế tế để chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe học sinh và giáo viên”, bà Hải Anh cho hay.
Linh hoạt trong phương pháp dạy học
“Chạy sô” giữa 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, theo các giáo viên, thầy cô cần phải vận dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học linh hoạt.
Cô Lê Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho rằng, việc vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến sẽ khiến giáo viên gặp một chút khó khăn hơn. Những buổi có tiết dạy trực tiếp, giáo viên cần đến trường trọn vẹn cả buổi. Vì các tiết học rất gần nhau. Nếu không dạy ngay tại trường thì việc chuyển từ dạy trực tiếp lớp 12 sang dạy trực tuyến lớp 10, 11 và ngược lại sẽ không kịp.
Theo cô Hạnh, nhà trường đã bố trí phòng để giáo viên có không gian dạy học trực tuyến. Để chủ động giáo viên cần tự chuẩn bị thiết bị 4G cho riêng mình. Dạy học trực tiếp với bảng đen, phấn trắng còn dạy học trực tuyến sử dụng các phần mềm tối ưu, cô Hạnh cho rằng, để bảo đảm chất lượng dạy học, giáo viên sẽ phải vận dụng linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật dạy học.
“Dù có vất vả hơn nhưng việc thầy và trò được trở lại trường là tín hiệu vui. Cuộc sống đang dần trở lại trạng thái bình thường”, cô Hạnh chia sẻ.
Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) có 14 lớp 12 với 620 học sinh. Để vừa bảo đảm chất lượng dạy học, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, nhà trường chia lịch học so le. Do trường không tổ chức dạy học vào thứ Bảy nên lịch học sẽ được sắp xếp đảo, linh hoạt theo tuần, đảm bảo số tiết học, chất lượng học cho học sinh.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa cho biết, nhà trường bố trí lớp học cách nhau để hạn chế tối đa việc tập trung đông học sinh vào các giờ nghỉ giữa các tiết học. Việc bố trí phòng dạy trực tuyến cũng được nhà trường chuẩn bị chu đáo để các giáo viên thuận tiện, không bị chậm trễ giữa lúc chuyển tiết dạy.
Trước tâm lý e ngại của phụ huynh khi học sinh trở lại trường, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, thành phố đã tham vấn chuyên gia phòng chống dịch tễ. Chính vì vậy, các trường yên tâm thống nhất với cha mẹ cho học sinh lớp 12 trở lại trường.
Ông Tiến khẳng định, đây là thời điểm vàng giúp học sinh ôn tập lại kiến thức đã học trong thời gian học trực tuyến.
"Học kiến thức mới theo tiến độ chương trình giúp học sinh thực hiện tốt việc kiểm tra cuối học kỳ I, chuẩn bị các kỳ thi cuối năm học. Chính vì vậy chúng tôi nghĩ rằng, việc trở lại trường với học sinh rất cần thiết, rất cần sự đồng hành từ xã hội, cha mẹ học sinh và nhà trường”, ông Tiến nói thêm.