'Vua hài' Văn Hường qua đời

Nghệ sĩ Văn Hường qua đời lúc 19h ngày 7/12 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), hưởng thọ 90 tuổi.

Theo chia sẻ từ gia đình, nghệ sĩ Văn Hường nhập viện điều trị xuất huyết não 10 ngày trước khi mất. Ông mắc một số bệnh của người cao tuổi, được con cháu chăm sóc tại nhà riêng thời gian qua.

Tang lễ nghệ sĩ Văn Hường được tổ chức tại nhà riêng ở TP Thủ Đức vào sáng 8/12 - 11/12, sau đó ông được đưa đi hỏa táng.

Nghệ sĩ Văn Hường tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại Thủ Đức, TP.HCM. 15 tuổi, ông bán hạt dưa ở rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo, dần hun đúc tình yêu dành cho nghề.

Vì thế, Văn Hường hay lân la đến quán Lệ Liễu tìm cơ hội trổ tài. Bất ngờ trước chàng trai bán hạt dưa có giọng ca hay, nghệ sĩ Lệ Liễu tâm đắc giới thiệu với người quen.

Nhờ vậy, ông có dịp hát trước ông Bảy Cao - bầu gánh hát Hoa Sen và nhiều nghệ sĩ trong đoàn, trong đó có soạn giả Viễn Châu.

'Vua hài' Văn Hường tuổi xế chiều.

'Vua hài' Văn Hường tuổi xế chiều.

Văn Hường có quan điểm trái ngược khi đặt vấn đề vọng cổ có thể làm khán giả khóc mà không thể khiến họ cười. Nghe vậy, Viễn Châu mới nghiên cứu, sáng tác thể loại vọng cổ hài để từ giai điệu, cách ca đến nội dung châm biếm thói hư, tật xấu.

Từ đó, vọng cổ hài ra đời, trở thành trào lưu đầu thập niên 1960. Cái tên Văn Hường nổi lên với bài Tư Ếch đi Sài Gòn. Khán giả thích nghe vọng cổ hài vì tinh thần lạc quan, lên án cái xấu, tiêu cực qua câu hát.

Chỉ trong 10 năm, ông thu âm khoảng 230 bài vọng cổ hài của Viễn Châu và khoảng 200 bài của những tác giả khác, thúc đẩy trào lưu lan tỏa mạnh mẽ.

Tên tuổi nghệ sĩ gắn với các bài Tư Ếch đi chợ, Tiền bạc, bạc tiền, Ba Râu đi xem đại nhạc hội, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Văn Hường đi Suzuki, Vợ tôi nói tiếng Tây, Vợ tôi đi coi bói...

Nhiều soạn giả tham gia sáng tác đồng thời hình thành lứa nghệ sĩ biểu diễn vọng cổ hài như NSND Giang Châu, NSƯT Phú Quý, nghệ sĩ Hề Sa, Văn Chí Mỹ, Linh Trung, Dũng Nhí...

Năm 1972, Văn Hường cùng 'Vua ngâm thơ Tao Đàn' - cố nghệ sĩ Thanh Hải lập đoàn hát riêng mang tên Thanh Hải - Văn Hường, cùng nhau phát triển ca cổ hài và cải lương hài.

Sau năm 1975, Văn Hường cộng tác với Đoàn Cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh) sau đó về Đoàn Cải lương Sống Chung (Phước Chung).

Năm 1987, do tuổi cao, ông giã từ sân khấu, về mở quán đờn ca tài tử mang tên mình tại Thủ Đức.

Trích đoạn 'Văn Hường 5 bà vợ'

Gia Bảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vua-hai-van-huong-qua-doi-2224607.html