Vừa hậu thuẫn, vừa tiết chế
Bên lề hội nghị vừa qua của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên nhóm G7 ở Tokyo (Nhật Bản), Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã cụ thể hóa quan điểm của Mỹ về giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc chiến giữa Hamas và Israel tại Dải Gaza.
Ông Blinken không đưa ra đề nghị hay sáng kiến cụ thể nào của Mỹ mà chỉ nêu những thành tố chủ chốt của giải pháp hòa bình. Cũng có thể coi đấy là những điều kiện của Mỹ cho giải pháp chính trị hòa bình.
Mỹ không phải là bên tham chiến trực tiếp nhưng lại có ảnh hưởng rất quyết định tới mọi chủ định và quyết sách của Israel. Đồng thời, Mỹ còn có thể tác động rất mạnh mẽ tới quan điểm, thái độ của các quốc gia Arab ở khu vực Trung Đông, vùng Vịnh và của các nước thuộc khối phương Tây đối với cuộc chiến này nói chung và đối với Israel nói riêng.
Những quan điểm được ông Blinken thể hiện thực chất là sự cân bằng giữa kiên định hậu thuẫn Israel và nỗ lực tiết chế Israel. Theo đó, Mỹ hoàn toàn ủng hộ Israel thực hiện mục tiêu ở lần chiến tranh này là tiêu diệt hoàn toàn Hamas hoặc ít nhất thì cũng làm cho Hamas từ nay trở đi không còn có thể đe dọa an ninh của Israel. Mỹ chia sẻ chủ định của Israel coi lần chiến tranh này là trận huyết chiến cuối giữa Israel với Hamas và sẽ giúp Israel giành phần thắng.
Vì thế, cho dù không biết đến khi nào cuộc chiến tranh này mới chấm dứt và sẽ chấm dứt như thế nào, hiện đã có thể chắc chắn được rằng cuộc chiến làm thay đổi cơ bản cục diện chính trị và tương quan lực lượng ở khu vực.
Những tiêu chí mà Mỹ đưa ra để tiết chế Israel cũng rất rõ ràng và cụ thể. Đó là không thể đẩy tất cả người Palestine ra khỏi Dải Gaza và không thể có chuyện Israel lại chiếm đóng Dải Gaza cũng như Israel không được quản lý lâu dài Dải Gaza. Và cũng không có chuyện Dải Gaza bị phong tỏa hay bao vây và không được thu hẹp vùng lãnh thổ Gaza. Có thể thấy, qua đó, Mỹ đặt ra giới hạn cho hành động của Israel trong cũng như sau cuộc chiến tranh này.
Việc Mỹ kiên định hậu thuẫn Israel về bảo đảm an ninh không khó hiểu. Cho nên, điều đáng được chú ý là dụng ý của Mỹ về tiết chế hành động quân sự và toan tính lâu dài của Israel. Trên phương diện này, từ trước đến nay chưa khi nào Mỹ cụ thể và rõ ràng đến như thế.
Có thể lý giải chuyện này bằng những nguyên do sau.
Thứ nhất, Mỹ không thể bỏ qua thực tế hiện tại trên thế giới là sự quan tâm và để ý không chỉ tập trung vào diễn biến của cuộc chiến giữa Israel và Hamas mà còn vào tình cảnh của người dân ở Dải Gaza, vào cách thức tiến hành chiến tranh của Israel, vào tác động của cuộc chiến này tới số phận cuối cùng của ý tưởng giải pháp "Hai nhà nước Israel và Palestine", vào triển vọng của đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine sau khi Israel đạt được mục tiêu đề ra là vô hiệu hóa Hamas. Cho nên Mỹ phải nhắc nhở, cảnh báo và cả răn đe Israel không đi quá xa và hành động quá đà.
Thứ hai, Mỹ làm vậy nhằm xác lập lại, đồng thời duy trì ảnh hưởng trực tiếp tới Israel và để cân bằng quan hệ với các nước trong thế giới Arab khi các quốc gia này quan ngại sâu sắc về khả năng xảy ra kịch bản Israel lại chiếm đóng một phần lãnh thổ của người Palestine như sau cuộc chiến tranh năm 1967 và 1973.
Thứ ba, Mỹ hậu thuẫn cả Ukraine và Israel nên nếu không tiết chế Israel thì sẽ khó xử trong chuyện Ukraine và khó khăn trong việc tập hợp lực lượng đối phó Nga ở Ukraine.
Cho nên, nói rằng Mỹ vừa hậu thuẫn, vừa tiết chế Israel trong cuộc chiến với Hamas cũng là vì vậy.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vua-hau-thuan-vua-tiet-che-647526.html