Dưới chân núi Đại Huệ, các xã như Nam Anh, Nam Xuân… huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đều trồng hồng. Riêng xã Nam Anh được xem là "thủ phủ" hồng của Nghệ An, với diện tích gần 200ha. Người dân ở đây trồng 2 loại hồng chính là hồng trứng, lá dài, quả to và hồng cậy, lá tròn, quả nhỏ. Nhiều cây hồng ở xã Nam Anh đã có tuổi đời trên 100 năm.
Chục năm trở lại đây, cây hồng được xem là loại cây trồng mang lại thu nhập chính cho người dân xã Nam Anh. Mỗi năm, ước tính, sản lượng hồng ở xã Nam Anh đạt khoảng 400 tấn. Theo người dân địa phương, phần lớn các gia đình ở xã này đều trồng hồng, người ít thì vài cây, người nhiều 1,5-2ha.
Theo người dân nơi đây, năm nay hồng đang vào vụ chính nhưng các thương lái vào thu mua không tấp nập như các năm trước. Bởi sản lượng hồng năm nay chỉ bằng 1 nửa năm ngoái. Thậm chí có những vườn hồng nhiều cây chỉ còn trơ lại cành, lá.
Gia đình bà Bùi Thị Thanh, trú tại xã Nam Anh trồng khoảng 60 cây hồng. Năm ngoái vườn hồng cho thu hoạch hơn 2 tấn quả. Tuy nhiên, năm nay sản lượng hồng giảm chỉ còn khoảng 1 tấn. Theo bà Thanh, nguyên nhân khiến hồng năng suất kém do từ tháng 4 đến tháng 8 thời tiết lại khô hạn đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây hồng. “Đến khi cây ra hoa, kết trái, số lượng ruồi vàng gây hại nhiều khiến trái hồng còn nhỏ đã bị rụng, thối. Nên sản lượng năm nay chỉ bằng 1 nửa của năm ngoái”, bà Thanh cho biết thêm.
Theo các thương lái, giá hồng được thu mua ngay tại vườn ở mức 15.000 – 17.000 đồng/kg. Một số loại hồng ngon được thu mua với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Đây được cho là mức giá cao nhất trong những năm qua.
Hồng ở Nam Anh có vị riêng nên được khách hàng ưa chuộng. Phần vỏ hồng mỏng, nhiều cát và ngọt hơn so với các vùng khác. Việc hồng mất mùa không chỉ người trồng thất thu mà những người làm dịch vụ khác như thu hái, ngâm, phân loại, vận chuyển hồng…bị ảnh hưởng theo.
Anh Trần Văn Hòa, người trồng hồng ở xã Nam Anh chia sẻ, năm nay thời tiết không thuận lợi nên năng suất hồng kém. “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thường thì năm nay được mùa thì năm sau nó lại mất mùa. Hơn nữa, nhiều gia đình để hồng quá lâu, không thu hoạch để phục vụ du khách đến chụp ảnh nên năm sau quả ra ít hơn. May mắn là năm nay hồng được giá nên cũng mừng”, anh Hòa cho biết thêm.
“Hiện nay, với nhu cầu rất lớn từ thị trường nên mỗi ngày tôi đến đây thu mua từ 1,5 - 2 tấn hồng các loại. Sau khi mua về, quả hồng sẽ được phân loại, đem ủ hoặc ngâm với nước giếng khoan trong 5 ngày rồi mới được bán ra thị trường. Hồng ở xã Nam Anh có hương vị đặc trưng nên được khách hàng ưa chuộng”, chị Nguyễn Thị Hợi, một thương lái thường xuyên mua hồng ở xã Nam Anh cho biết.
“Hồng năm nay mất mùa nhưng được giá. Giá thu mua hồng cao hơn so với năm ngoái 4.000-5.000 đồng/kg. Hiện, toàn xã có gần 200ha diện tích trồng hồng, trong đó 150ha đang ở kỳ thu hoạch, còn lại là diện tích cây trồng mới. Để nâng cao giá trị cho cây hồng, xã đang xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây hồng (hồng cậy, hồng gáo). Bên cạnh đó, đầu tư dây chuyền công nghệ để chế biến các sản phẩm từ quả hồng như hồng sấy dẻo, hồng sấy giòn, mứt hồng... để nâng cao giá trị cây hồng”, ông Hồ Viết Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Anh cho biết.
Minh Tâm - Hà Hằng
Hà Thị Hằng