Vừa lái xe vừa livestream tông chết người: Trách nhiệm pháp lý ra sao?
Nhiều bạn đọc thắc mắc một người vừa lái xe ô tô vừa livestream có được không? Nếu vừa lái xe vừa livestream mà gây ra tai nạn thì người đó phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào?...
Như PLO đã thông tin, mới đây, tại huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) đã xảy ra một vụ va chạm giao thông giữa ô tô và xe máy khiến một nữ sinh tử vong. Đáng chú ý trong vụ việc này là người điều khiển xe ô tô được xác định là vừa livestream vừa lái xe.
Cụ thể, theo điều tra ban đầu, vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 12-5, tại khu vực giao nhau giữa đường 30-4 và đường Phạm Ngọc Thạch (thuộc địa bàn tổ 3C, thị trấn Đạ Tẻh) cháu N.Y.N (16 tuổi) ngụ thị trấn Đạ Tẻh điều khiển xe đạp điện đi học thì bị xe mô tô BKS: 49N1-130.33 do anh T. điều khiển va chạm khiến cháu N. ngã ngang ra đường.
Lúc này, chị N.N.Th (40 tuổi) ngụ thôn Phú Thành, xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh điều khiển xe ô tô BKS 49A-45032 lưu thông từ phía sau cán qua người khiến cháu N. tử vong tại chỗ.
Đáng nói, theo thông tin ban đầu, chị Th. được xác định là đang livestream khi điều khiển xe ô tô nên không quan sát và không kịp xử lý tình huống giao thông xảy ra phía trước, và Th. hiện không có giấy phép lái xe ô tô.
Liên quan đến vụ tai nạn này, nhiều bạn đọc thắc mắc một người vừa lái xe vừa livestream có được không? Nếu vừa lái xe vừa livestream mà gây ra tai nạn thì người đó phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào?...
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Theo như đoạn clip ghi lại trong trường hợp này thì có khả năng đây là lỗi hỗn hợp (nhiều bên có lỗi).
Do đó, trong quá trình điều tra vụ án cơ quan công an sẽ xem xét, đánh giá mức độ lỗi của các bên, xác định đâu là lỗi chính, đâu là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông và là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của nạn nhân. Từ đó, làm căn cứ để khởi tố bị can.
Trong vụ việc trên, nếu người điều khiển xe ô tô vừa chạy xe vừa livestream tức là đã có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. Bên cạnh đó, người điều khiển xe ô tô lại không có giấy phép lái xe theo quy định. Đây đều là hai hành vi bị cấm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (khoản 9 và khoản 23, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008).
Theo quy định hiện hành, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường nhận mức phạt 2.000.000 - 3.000.000 đồng (căn cứ điểm d, khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021). Mức phạt này cao hơn so với Nghị định 100/2019 trước đó (chỉ phạt từ 1.000.000-2.000.000 đồng).
Đó là mức xử phạt hành chính cho hành vi đang chạy xe mà dùng tay sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, trong vụ việc này, đã có tai nạn chết người xảy ra nên người vi phạm có thể bị xử lý hình sự.
Về tội danh, sau khi xác định được lỗi của các bên, cơ quan công an có thể khởi tố vụ án về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết người thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp phạm tội mà không có giấy phép lái xe theo quy định hoặc gây tai nạn trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Đã từng có thống kê cho thấy người sử dụng điện thoại khi lái xe có nguy cơ gây ra tai nạn cao gấp 4 lần so với bình thường. Việc sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khiến người lái phân tâm, dễ gây ra tai nạn. Mọi người cần tránh điều này để không gây ra những sự số đau lòng, đáng tiếc.