Vua nào tại vị lâu nhất lịch sử Việt Nam?
Vị vua này tại vị 56 năm, cũng là người có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.
1. Vua nào có thời gian tại vị lâu nhất?
Lý Nhân Tông
Lê Thánh Tông
Trần Thánh Tông
Lý Thánh Tông
Chính xác
Lý Nhân Tông, con trưởng của vua Lý Thánh Tông, là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông lên ngôi khi mới 6 tuổi, tại vị 56 năm, từ 1072 - 1127. Thời điểm ông mới lên ngôi, nhà Tống muốn nhân lúc vua Lý còn nhỏ mang quân đánh chiếm. Nhờ vào khả năng quân sự của Lý Thường Kiệt, nước Đại Việt đã đứng vững trong cuộc chiến với quân đội nhà Tống.
Triều đại Lý Nhân Tông chứng kiến sự phát triển của nền giáo dục khoa bảng Đại Việt. Mùa xuân năm 1075, ông mở khoa thi Tam trường để chọn người có tài ra giúp nước. Đây là khoa thi đầu tiên của nền khoa cử Việt Nam. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Thời đại của vua Lý Nhân Tông cùng với ông nội là Lý Thái Tông và cha là Lý Thánh Tông được xem là thời thịnh vượng của nhà Lý, sử sách gọi thời kỳ này là Bách niên Thịnh thế.
2. Vị vua trẻ nhất thời phong kiến nước ta là ai?
Lý Nhân Tông
Đinh Phế Đế
Lý Anh Tông
Lê Nhân Tông
Chính xác
Vị vua lên ngôi sớm nhất trong lịch sử Việt Nam là Lê Nhân Tông. Khi lên ngôi, ông mới chỉ được 1 tuổi 6 tháng. Ông là con thứ 3 của vua Lê Thái Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông sinh ngày 9/6/1441 đến ngày 6/6/1442 được lập làm hoàng thái tử.
Do vua cha mất sớm, Nhân Tông lên ngôi khi còn nhỏ, bà Nguyễn Thị Anh, mẹ vua phải buông rèm nhiếp chính, quyết đoán việc nước. Trong vòng 10 năm đầu giữ ngôi, nhà vua nhờ sự giúp sức của Thái hậu và các tể tướng, đại thần đã giữ được sự yên ổn trong nước.
Ngay sau khi bắt đầu đích thân coi chính sự, vua ân xá cho công thần từng có tội, cứu giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 1459, ông mất do bị sát hại.
Đại Việt sử ký toàn thư mô tả Nhân Tông là vị hoàng đế đức độ, coi trọng Nho học, không đam mê tửu sắc, và biết nghe can gián. Cái chết sớm của nhà vua đã khiến cho quan lại “nuốt hận ngậm đau” và thần dân “như mất cha mất mẹ”.
3. Ai là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam?
Hồ Quý Ly
Lý Chiêu Hoàng
Nguyên Phi Ỷ Lan
Trần Thị Dung
Chính xác
Lý Chiêu Hoàng (1218-1278) lên ngôi năm 1224 khi 6 tuổi. Bà là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng là vua cuối cùng của triều đại nhà Lý. Năm 1224, nhân lúc vua Lý Huệ Tông bệnh tình nặng, Trần Thủ Độ ép lập công chúa Chiêu Thánh làm hoàng thái nữ rồi nhường ngôi.
Sau khi đưa Lý Chiêu Hoàng lên ngôi vua, Trần Thủ Độ đã đưa cháu họ là Trần Cảnh (8 tuổi) vào cung để hầu hạ vua. Trần Thủ Độ sau đó cùng chị họ là Thái hậu Trần Thị Dung sắp xếp cuộc hôn nhân cho Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh.
Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, mở ra trang sử đầu tiên cho triều đại nhà Trần.
4. Vị vua lớn tuổi nhất khi lên ngôi là ai?
Lê Thánh Tông
Lý Nhân Tông
Lý Thái Tông
Trần Nghệ Tông
Chính xác
Trần Nghệ Tông sinh năm 1321, là con thứ 3 của vua Trần Minh Tông. Ông vốn không có ý định làm vua, nhưng khi thấy Dương Nhật Lễ ở ngôi lại suốt ngày rượu chè, Thiên Ninh công chúa khuyên ông: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác”.
Bấy giờ, ông mới quyết định dẫn quân giành lại ngôi vua, đặt niên hiệu là Thiệu Khánh. Lúc đó ông đã 50 tuổi, là vị vua lớn tuổi nhất khi lên ngôi trong lịch sử Việt Nam.
Giữ ngôi 2 năm, từ 1370 – 1372, ông nhường ngôi cho em là Trần Duệ Tông, lên làm thái thượng hoàng. Ông mất năm 1394.
Trong thời gian nắm quyền, quan điểm của ông được thể hiện rõ trong câu nói nổi tiếng: “Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo qui chế của nhà Tống, là vì Nam Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau”.
5. Vị vua nào không có con dù lấy rất nhiều vợ?
Lý Huệ Tông
Trần Thái Tông
Tự Đức
Lý Nhân Tông
Chính xác
Vua Tự Đức (1829-1883) là vị vua duy nhất trong lịch sử dù có tới hàng trăm bà vợ và phi tần nhưng lại không có bất kỳ người con nào.
Ông là con của vua Thiệu Trị và Hoàng quý phi Phạm Thị Hằng (sau là Từ Dụ Thái hậu), lên ngôi năm 19 tuổi. Tự Đức là vị vua trị vì lâu nhất của nhà Nguyễn trong 36 năm, từ 1847 - 1883.
Dù có hậu cung đông đảo nhưng ông không có người con ruột nào vì lúc nhỏ mắc bệnh đậu mùa, lại đau ốm liên miên nên sức khỏe không tốt. Sau đó, ông nhận ba người cháu ruột làm con nuôi là Ưng Chân, Ưng Đường và Ưng Đăng.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vua-nao-tai-vi-lau-nhat-lich-su-viet-nam-2187038.html