Vừa qua mùa dịch, ngư dân miền Trung lại 'oằn mình' chống bão

Vừa trải qua đợt dịch kéo dài, người dân miền Trung lại hối hả neo nhà cửa, thuyền bè để chống bão số 5 (Noul) dự kiến sẽ áp sát khu vực này.

Ngư dân miền Trung sẵn sàng chống bão số 5

Ngư dân miền Trung sẵn sàng chống bão số 5

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,4 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Nhằm chủ động ứng phó, phòng tránh thiệt hại do bão số 5 có thể đổ bộ vào đất liền, UBND các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do bão đã phát đi công điện khẩn, lên những phương án phòng chống, ứng phó kịp thời. Đồng thời ngư dân ở các vùng ven biển có thể bị ảnh hưởng cũng đã tiến hành chèn chống nhà cửa, neo đậu thuyền bè, trú tránh an toàn.

Sáng 17/9, UBND TP. Đà Nẵng đã ra công điện khẩn, yêu cầu các lực lượng và chính quyền địa phương, rà soát kiểm tra các khu vực dân cư ở những vùng nguy hiểm, trũng, thấp vùng ven biển, sông suối có nguy cơ sạt lở, lũ quét chuẩn bị phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.

Tại các bãi biển Mân Thái, Thọ Quang thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, hàng trăm ngư dân đang cấp tập thực hiện đưa tàu bè lên bờ để phòng tránh bão số 5.

Theo Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, tính đến sáng 17/9, đã có 615 phương tiện gồm tàu cá, ghe chèo, xuồng máy được neo đậu vào âu thuyền. Trong đó có 301 phương tiện của Đà Nẵng và 314 tàu cá của các tỉnh.

Ông Võ Đình Công - Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, khu vực biển Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, ngay sau khi có công điện của Đà Nẵng, phường đã kêu gọi di chuyển khoảng 300 tàu thuyền loại lớn qua tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang.

Cũng trong sáng 17/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã có công điện yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần hết sức cảnh giác, không được chủ quan, tăng cường chỉ đạo ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.

Ghi nhận tại khu vực ven biển Thuận An (huyện Phú Vang) tỉnh Thừa Thiên Huế vào trưa ngày 17/9, bà con ngư dân nơi đây đang tích cực đưa tàu thuyền đi tránh bão.

Trong đó, tàu công suất lớn được di chuyển đến các âu thuyền neo đậu và ràng buộc cẩn thận, các phương tiện nhỏ được bà con ngư dân cùng lực lượng xung kích địa phương đem vào gần nhà.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trưa nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương sẽ trực tiếp thị sát tình hình công tác phòng chống báo số 5 trên địa bàn. Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh đã liện lạc và đang hướng dẫn 31 phương tiện còn lại của tỉnh với 260 lao động trên biển khẩn cấp vào bờ tránh bão, dự kiến vào bờ chiều nay 17/9.

Tại tỉnh Quảng Trị, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, để ứng phó với cơn bão số 5, tỉnh tổ chức di dời, sơ tán dân ở 5 vùng gồm: Vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, nước biển dâng thuộc các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; vùng ngập nước sâu trên lưu vực các sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải; vùng lũ quét ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông; vùng sụt lún, sạt lở đất ở các huyện Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa; vùng ngập cục bộ ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Tổng số dân phải di dời, sơ tán tránh bão số 5 là trên 94.000 người ở 125 xã, phường, thị trấn.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/vua-qua-mua-dich-ngu-dan-mien-trung-lai-oan-minh-chong-bao-d161508.html