Vừa tham gia liên minh của Mỹ, Anh lập tức điều tàu chiến tới Vịnh Ba Tư
Động thái điều tàu chiến HMS Kent tới Vịnh Ba Tư được Anh tiến hành chỉ một tuần sau khi đặt bút kí tham gia liên minh hàng hải của Mỹ nhằm bảo vệ tàu dầu ở vùng Vịnh khỏi các sự tấn công từ Iran.
Hải quân Hoàng gia Anh đã điều tàu chiến HMS Kent tới Vịnh Ba Tư vào hôm qua, 12/8, để tham gia phái bộ an ninh hàng hải do Mỹ khởi xướng ở Eo biển Hormuz.
“Trọng tâm chiến dịch của chúng tôi ở vùng Vịnh là giảm căng thẳng. Chúng tôi cũng cam kết duy trì tự do hàng hải, bảo vệ tuyến vận chuyển đường biển quốc tế”, chỉ huy tàu HMS Kent – ông Andy Brown nói.
Theo Sputnik, tàu HMS Kent sẽ sát cánh cùng một tàu chiến Anh khác là Duncan, hiện đang hoạt động trên Eo biển Hormuz.
Trước đó, ngày 5/8, London đã đặt bút kí tham gia liên minh hộ tống tàu chở dầu của Mỹ đi qua Vịnh Ba Tư.
Dù bắt tay với Mỹ, nhưng quan chức Anh nhấn mạnh chính sách của London với Tehran sẽ không thay đổi, và rằng London sẽ không tham gia chiến dịch trừng phạt mà Washington đang áp đặt lên Tehran.
“Việc bảo đảm quyền tự do cho tất cả các tàu vận chuyển quốc tế đi qua Eo biển Hormuz là vấn đề sống còn, do mối đe dọa đang không ngừng gia tăng. Việc triển khai các khí tài quân sự của Hải quân Hoàng gia là bằng chứng cho thấy cam kết của chúng tôi đối với các tàu gắn cờ Anh. Và chúng tôi mong muốn được làm việc với Mỹ cùng các nước khác để tìm giải pháp cho các vấn đề ở khu vực trên, "Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói.
Khi căng thẳng Mỹ - Iran lên đến đỉnh điểm sau một số sự cố ở vùng Vịnh, Washington đã đề nghị thành lập một liên minh quốc tế, mời một số nước châu Âu, gồm Đức, Pháp, Anh, cùng các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, tham gia nhằm đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực.
Khi Mỹ chính thức yêu cầu Đức tham gia sứ mệnh trên, Berlin đã thẳng thừng từ chối. Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas tuyên bố Berlin coi "nỗ lực giảm leo thang bằng ngoại giao" là ưu tiên hàng đầu.
Căng thẳng Mỹ - Iran bùng lên vào năm ngoái, khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Ngày 8/5, Iran công bố quyết định chấm dứt một phần nghĩa vụ được quy định trong thỏa thuận hạt nhân.
Đáp lại, Mỹ nhanh chóng tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trung Đông, gửi một nhóm tàu sân bay, tên lửa Patriot, máy bay ném bom B-52 và máy bay chiến đấu F-15 đến khu vực này, trong một động thái mà Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton gọi là "thông điệp rõ ràng đối với Iran”.