Vừa thu phí không dừng 5 ngày 'VEC' lại đưa ra luật riêng
Là các tuyến cao tốc áp dụng thu phí không dừng (ETC) chậm nhất cả nước (3 năm), nhưng khi mới chỉ triển khai thu phí ETC từ 1/8, Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lại ra văn bản thực hiện riêng cho các tuyến cao tốc mình quản lý. Việc này khiến nhiều chủ xe đang gặp khó khăn khi lưu thông.
Đi hết 20 nghìn đồng nhưng tài khoản phải 150 nghìn đồng
Sau khi 4 tuyến cao tốc của VEC đang quản lý gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, trong đó cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến cao tốc dài nhất cả nước (264 km) triển khai thu phí không dừng ETC từ 1/8, những ngày qua chủ xe đi lại trên cả 4 tuyến cao tốc này đang bức xúc trước việc VEC yêu cầu chủ xe phải nộp tiền vào tài khoản ETC với mức “sàn” khá cao mới được lưu thông trên tuyến. Trong khi đó, quy định của cơ quan quản lý nhà nước không yêu cầu việc này và các tuyến cao tốc khác cũng không có quy định như vậy.
Cụ thể, để vào được cao tốc Nội Bài - Lào Cai trong mấy ngày qua, dù đi chặng (quãng) đường ngắn vài chục kilômét chỉ hết 20 nghìn đến 30 nghìn đồng, nhưng VEC vẫn yêu cầu chủ xe phải nộp vào tài khoản ETC ít nhất 150 nghìn đồng, nếu không hệ thống barie tại các làn thu phí không dừng sẽ không mở để lái xe ra, vào cao tốc. Với nhiều chủ xe chỉ đi quãng đường ngắn từ các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc về Hà Nội và ngược lại, hoặc từ Phú Thọ sang Vĩnh Phúc và ngược lại, phí cũng chỉ từ 20 nghìn đến 50 nghìn đồng/lượt với xe dưới 9 chỗ, tuy nhiên những ngày qua tài xế đi các quãng đường này bị nhà đầu tư VEC yêu cầu phải nộp vào tài khoản ECT tối thiểu 150 nghìn đồng.
Thực tế này khiến nhiều tài xế, chủ xe bức xúc và cho rằng, VEC đang áp đặt, đưa ra luật riêng để buộc chủ xe phải nộp mức tiền lớn vào tài khoản ETC không cần thiết.
“VEC làm vậy là đặt vấn đề quản lý, ép buộc hơn là phục vụ người dân. Chúng tôi đi nhiều tuyến cao tốc trên cả nước cũng đã triển khai ETC nhưng không có tuyến nào quy định mức nộp tiền như Nội Bài - Lào Cai”, anh Hoàn, một tài xế xe tải ở phường Cổ Nhuế, Bắc từ Liêm, Hà Nội phản ánh.
Tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các tuyến cao tốc khác của VEC đang quản lý cũng áp dụng mức phí chủ xe phải nộp trong tài khoản khá cao khi muốn đi vào. Cụ thể, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là 35.000 đồng, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 100.000 đồng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây 40.000 đồng.
Làm sai quy định của nhà nước
Lý giải cho việc này, trong văn bản đưa ra quy định trên trên do mình ký và VEC phát đi đầu tuần này, ông Nguyễn Văn Nhi - Phó Tổng Giám đốc VEC cho biết, xe đi vào 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý từ 1/8 phải có đủ số dư trong tài khoản ETC tối thiểu là 50% mức phí chặng dài nhất của xe loại 1 (xe dưới 9 chỗ) trên từng tuyến cao tốc.
Ghi nhận tại các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang… phóng viên chứng kiến, tất cả mức phí đối xe với xe đi vào các tuyến cao tốc này đều được đơn vị quản lý thu phí khuyến cáo chủ xe phải có số dư tương ứng với quãng đường đi để đảm bảo hành trình và không làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác, trong đó tuyến Hà Nội - Hải Phòng đã thu phí không dừng 100% từ 1/6 đến nay (2 tháng) không hề bị lái xe phản ứng về việc duy trì tài khoản trong thẻ ETC.
Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, chủ trương thu phí đường bộ bằng hình thức công nghệ điện tử để tạo thuận lợi trong đi lại, minh bạch trong thu chi của Chính phủ là rất rõ ràng, với việc xe đã tham gia dán thẻ để đi vào cao tốc Chính phủ, Nghị định 109 và Nghị định 123 nêu rõ: Xe đi vào cao tốc không đủ tài khoản để thanh toán bị xử phạt 2 đến 4 triệu, tước bằng lái từ 2 đến 3 tháng. Như vậy, việc xe đã dán thẻ và đi vào cao tốc đã có Nghị định chế tài, các lực lượng có thẩm quyền làm nhiệm vụ trên đường có nhiệm vụ giám sát, xử lý; với các nhà đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ có nhiệm vụ là đảm bảo giao thông, duy trì an ninh trật tự, hệ thống vận hành tốt để xe đi lại trên cao tốc thuận tiện.
Việc Nhà đầu tư VEC ra văn bản yêu cầu chủ xe phải nộp tiền vào tài khoản và ấn định mức tiền trong tài khoản mới cho vào cao tốc là áp đặt, lạm quyền, làm sai quy định của Nhà nước. “Sau khi chậm triển khai ETC so với quy định của Nhà nước và các tuyến cao tốc khác 3 năm, nếu không tiên phong trong vận hành hệ thống ETC thì VEC nên học hỏi, tham khảo các cách quản, vận hành ETC của các tuyến cao tốc khác, đằng này vẫn cứ tư duy áp đặt, ra văn bản ép buộc chủ xe, tài xế theo hướng một mình một luật riêng là không còn phù hợp. Tư duy này nên bỏ, đặc biệt với cơ quan nhà nước”, ông Liên nói.