Vữa trần rơi tại lớp học, Hà Nội yêu cầu tăng cường giải pháp phòng chống tai nạn thương tích
Liên quan vụ việc vữa trần của một phòng học rơi, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các trường học kiểm tra cơ sở vật chất, kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn, không để xảy ra tai nạn thương tích trong trường học.
Trước đó, Đại Đoàn Kết Online đã thông tin về vụ việc vữa trần của một phòng học ở Trường THPT Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) rơi, khiến 2 học sinh bị thương. May mắn là các em chỉ bị thương nhẹ, không phải đến bệnh viện, được nhân viên y tế sơ cứu, theo dõi sức khỏe tại nhà và hiện sức khỏe bình thường. Nhà trường đã chuyển lớp học này sang phòng khác.
Theo bà Đào Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Minh, trường học được xây dựng từ nhiều năm, đến nay có một số hạng mục xuống cấp. Chuẩn bị khai giảng năm học 2022-2023, nhà trường đã rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, nhưng vẫn bất ngờ có sự cố này.
Vụ việc Trường THPT Quang Minh không phải là hi hữu. Trước đó, vào đầu tháng 5/2022, cũng xảy ra vụ việc một học sinh của Trường THCS Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị quạt trần rơi trúng người, phải nhập viện. Từ những vụ việc này, yêu cầu tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích bảo đảm an toàn cho học sinh trong trường học là bài toán được đặt ra.
Liên quan tới vấn đề này, Sở GDĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các trường trực thuộc, yêu cầu bảo đảm công tác y tế trường học; an ninh, an toàn trường học; phòng, chống tai nạn thương tích và giáo dục an toàn giao thông năm học 2022-2023.
Một trong những yêu cầu của Sở GDĐT Hà Nội đối với các đơn vị, trường học là rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên, nếu phát hiện những cây lâu năm có nguy cơ gãy, đổ thì phải báo cáo để xử lý kịp thời; kiểm tra cơ sở vật chất, gồm: tường bao, móng, trần, tường, cống rãnh, cây xanh, bàn ghế, bảng, hệ thống điện…, kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn để có biện pháp khắc phục, sửa chữa, không để xảy ra tai nạn thương tích trong trường học.
Các đơn vị, nhà trường chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học theo quy chế phối hợp giữa Sở GDĐT Hà Nội và Công an thành phố; thiết lập, công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường...
Đồng thời, các đơn vị chủ động phối hợp cùng công an địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, những kiến thức, kỹ năng và xử lý cháy nổ đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; tăng cường kiểm soát và giám sát khi khách đến đơn vị liên hệ công tác, thực hiện nghiêm túc lịch trực cơ quan của lãnh đạo đơn vị và trực bảo vệ, bảo đảm không để người lạ xuất hiện trong cơ quan đơn vị.
Sở GDĐT Hà Nội giao hiệu trưởng, giám đốc các đơn vị tổ chức tuyên truyền về kỹ năng ứng xử, ứng xử văn hóa trong trường học; thống nhất giải quyết một số tình huống sư phạm và quán triệt đầy đủ nội dung những văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc tại Trường THPT Quang Minh, đoàn kiểm tra của Sở đã trực tiếp kiểm tra nhiều hạng mục cơ sở vật chất tại nhà trường, đồng thời yêu cầu nhà trường có giải pháp bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, tránh để xảy ra sự việc tương tự.
Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu nhà trường tiếp tục rà soát kỹ tất cả hạng mục, kể cả cửa lan can, hành lang và cầu thang cũng như trần ở các lớp học...
Bên cạnh đó, Sở GDĐT Hà Nội cũng yêu cầu nhà trường phối hợp cơ quan chuyên môn của huyện Mê Linh để khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc rơi vữa trần lớp học, đồng thời có giải pháp phòng, chống và sửa chữa kịp thời.
Từ sự việc này, Sở GDĐT Hà Nội lưu ý các trường học trên toàn thành phố tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn cho học sinh.