Vực dậy nền kinh tế Trung Đông - Bắc Phi
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, kinh tế Trung Đông và Bắc Phi sẽ tăng tốc phục hồi trong năm nay, song tăng trưởng của các nước trong khu vực sẽ không đồng đều do tình trạng mất cân đối trong việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19. Các nước trong khu vực tiếp tục đối phó không ít thách thức trong vực dậy nền kinh tế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, kinh tế Trung Đông và Bắc Phi sẽ tăng tốc phục hồi trong năm nay, song tăng trưởng của các nước trong khu vực sẽ không đồng đều do tình trạng mất cân đối trong việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19. Các nước trong khu vực tiếp tục đối phó không ít thách thức trong vực dậy nền kinh tế.
Kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã chứng kiến sự suy giảm ở mức nghiêm trọng nhất trong năm ngoái do giá dầu thấp và loạt biện pháp phong tỏa nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan. Năm 2020, tăng trưởng kinh tế khu vực này đã giảm 3,8% và IMF dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 3,1% trong năm nay và 4,2% trong năm tới nhờ giá dầu phục hồi và việc triển khai tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19. Giám đốc khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF G.A-dua đánh giá, kinh tế khu vực Trung Đông - Bắc Phi sẽ phục hồi sau hai cú sốc nghiêm trọng của năm 2020. Mặc dù thế giới vẫn đang trong giai đoạn đối mặt nhiều nguy cơ, song cuộc đua giữa dịch bệnh và công tác phân phối vắc-xin sẽ quyết định tốc độ phục hồi kinh tế trong năm nay. Trong khi một số nước ở Trung Đông lọt vào tốp các nước dẫn đầu thế giới về tiêm chủng phòng Covid-19 thì còn nhiều nước trong khu vực chưa thể tiến hành chiến dịch tiêm chủng do thiếu nguồn cung, xung đột và tài chính yếu.
Các nước giàu có ở vùng Vịnh nằm trong số những quốc gia đầu tiên bắt đầu triển khai tiêm phòng cho người dân nên được dự báo có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh hơn các quốc gia còn lại trong khu vực. Theo IMF, sau khi tăng trưởng kinh tế giảm 4,8% trong năm 2020, các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 2,5% trong năm nay. IMF dự báo A-rập Xê-út, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm nay, sau khi tăng trưởng kinh tế giảm 3,9% trong năm ngoái. Thái tử A-rập Xê-út M.Xan-man cho biết, quỹ đầu tư công (PIF) của nước này sẽ đầu tư ít nhất 40 tỷ USD mỗi năm vào nền kinh tế quốc nội trong 5 năm tới. A-rập Xê-út đang phải đối mặt tỷ lệ thất nghiệp cao và kinh tế đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Là động lực chính trong các nỗ lực của A-rập Xê-út nhằm đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc dầu mỏ, PIF dự kiến sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tạo công ăn việc làm cho 1,8 triệu người tới năm 2025.
Trong số các nước được đánh giá thành công trong “vượt bão” khủng hoảng có Ai Cập. Quốc gia Bắc Phi này đã kiểm soát được đại dịch và khắc phục sự gián đoạn của hoạt động kinh tế bằng cách áp dụng các biện pháp chủ động để ứng phó vấn đề về y tế và xã hội, đồng thời hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp nhất do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra. IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Ai Cập trong năm tài chính 2020 - 2021 lên 2,8%, tăng so mức 2% được dự báo hồi tháng 6-2020. Điều này cho thấy quốc gia Bắc Phi có khả năng trở thành một trong những quốc gia đạt mức tăng trưởng dương (khoảng 1,5%) vào năm 2021. Theo IMF, Ai Cập sẽ chứng kiến sự phục hồi trong tất cả các lĩnh vực, trừ du lịch, vốn sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn để trở lại mức tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch. Tuy nhiên, IMF cũng đưa ra dự báo về những rủi ro đáng kể có thể ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ai Cập, trong đó có làn sóng dịch thứ hai, điều kiện tài chính kém thuận lợi hơn đối với các thị trường mới nổi và sự sụt giảm lượng kiều hối.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đối mặt thách thức lớn khi đại dịch bùng phát khiến nền kinh tế của khu vực A-rập thiệt hại khoảng 140 tỷ USD trong năm 2020, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này giảm 3%. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng lên 12,5%, trong đó cao nhất là ở Pa-le-xtin với 31%, Li-bi với 22%, Gioóc-đa-ni và Tuy-ni-di là hơn 21%. Ủy ban Kinh tế xã hội Tây Á (ESCWA) dự báo, tốc độ tăng trưởng của khu vực A-rập trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 2,8% hoặc 3,5%, tùy thuộc vào khả năng đối phó đại dịch. Khu vực này được dự báo sẽ gặp những vấn đề xã hội như tỷ lệ đói nghèo có thể tăng lên 32% và ảnh hưởng tới 116 triệu người trong năm 2021, nới rộng khoảng cách về giới hay tăng tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ.
Mặc dù ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong nỗ lực phục hồi kinh tế, song những thách thức mà khu vực Trung Đông - Bắc Phi đang đối mặt đòi hỏi chính phủ các nước phải cải cách và đa dạng hóa các thành phần kinh tế, tăng cường khả năng tiếp cận vắc-xin cho các nước nghèo hơn, đồng thời gia tăng các mạng lưới an toàn xã hội cần thiết để bảo đảm thu hẹp khoảng cách phát triển ở khu vực.